Các doanh nghiệp du lịch đồng hành với Kon Tum phải bằng những hành động cụ thể

VHO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” do Bộ VHTTDL phối hợp tỉnh Kon Tum và các Bộ, ngành vừa tổ chức tại Kon Tum.

Các doanh nghiệp du lịch đồng hành với Kon Tum phải bằng những hành động cụ thể - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu chứng kiến thỏa thuận ký kết hợp tác 6 tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Phiên thảo luận tại Diễn đàn là nơi trao đổi  kinh nghiệm, cách làm hay về các mô hình phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Từ đó vận dụng những bài học đó vào việc phát triển du lịch của từng địa phương cụ thể, hiệu quả hơn. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương, đại diện doanh nghiệp nếu như chỉ nói mà không bắt tay cùng Bộ hành động, chỉ hiến kế và đặt ra các yêu cầu mà không cùng nhau bắt tay thực hiện thì phiên thảo luận chỉ mới đạt được 50% hiệu quả. Bởi vì ý tưởng của chúng ta dù có hay đến bao nhiêu đi nữa nhưng nó không trở thành hiện thực trong cuộc sống, không tạo ra được mô hình du lịch, không có một sản phẩm cụ thể thì ý tưởng ấy cũng không thể thành hiện thực. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Nói như vậy là để chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Kon Tum khi các doanh nghiệp đồng hành với địa phương là phải hiện thực bằng các bản cam kết, bằng những việc làm cụ thể của mình.

Cũng tại Diễn đàn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị du lịch, các công ty lữ hành, chuyên gia du lịch... cùng thảo luận để tìm ra các thế mạnh, hạn chế của du lịch Kon Tum. Từ đó, giúp cho du lịch địa phương có bước đi phù hợp, phát triển và thoát khỏi vùng trũng du lịch.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, Kon Tum cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa với vẻ đẹp bản địa, du lịch nông thôn với các sản phẩm OCOP, nổi bật là sâm Ngọc Linh… Tại các điểm du lịch, cần có đội ngũ quản lý du lịch chuyên nghiệp, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực. Công tác xúc tiến quảng bá cũng cần được đầu tư, qua đó góp phần thu hút khách du lịch đến Kon Tum, đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, đại diện Vietnam Airlines cho biết: Hãng hàng không quốc gia có mạng bay đa dạng kết nối Kon Tum, Tây Nguyên và các tỉnh/, thành trên cả nước, tạo thuận lợi xây dựng các sản phẩm tour kết hợp Pleiku - Buôn Ma Thuột. Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, việc kết nối đường bay là cơ hội và là điều kiện thuận lợi nhất giúp du lịch Kon Tum “cất cánh”.

Các doanh nghiệp du lịch đồng hành với Kon Tum phải bằng những hành động cụ thể - Anh 2

Phiên thảo luận tại Diễn đàn

Đại diện Tập đoàn Sun Group lại cho rằng, muốn du lịch Kon Tum phát triển nhanh và mạnh hơn cần thúc đẩy quy hoạch đầu tư dài hạn, bài bản đặc biệt về hạ tầng giao thông, xây dựng được những dịch vụ du lịch chất lượng cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược với những dự án có tầm vóc, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho du khách…

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, du lịch đều cho rằng, phát triển du lịch những Kon Tum cần tuân theo các quy luật, không nóng vội đốt cháy giai đoạn. Muốn đạt được điều đó, phải xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, chi tiết, trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ những giá trị văn hóa địa phương là điều kiện cốt lõi.

Tại phiên thảo luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã trình bày định hướng phát triển du lịch Kon Tum trong vùng du lịch Tây Nguyên liên kết với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Theo đó, định hướng phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng như sản phẩm trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh, sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen, sản phẩm trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, sản phẩm tham quan di tích lịch sử, sản phẩm du lịch mạo hiểm… Đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết theo mục tiêu chuyên đề; đầu tư phát triển du lịch Kon Tum về hạ tầng, cơ sở dịch vụ, công trình văn hóa công cộng, nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số, bảo tồn tài nguyên…

Các doanh nghiệp du lịch đồng hành với Kon Tum phải bằng những hành động cụ thể - Anh 3

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại phiên thảo luận

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đã công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hướng đến hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đến năm 2025, Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam phấn đấu đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm. Đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.

XUÂN HƯỚNG - NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc