Đà Nẵng: Kích cầu để từng bước phục hồi du lịch

VHO-Với phương châm "Chủ động - thích ứng - linh hoạt", hiện nay Đà Nẵng tiếp tục đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho nguồn nhân lực hoạt động trong ngành Du lịch, đồng thời lên kế hoạch sẵn sàng cho các sản phẩm chủ lực ở từng giai đoạn phù hợp với tình hình mới khi mà các điều kiện chiếm ưu thế như đường bay, phát triển cơ sở hạ tầng... đã quay trở lại.

Dần tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp 

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, khoảng 3,2 tỉ USD từ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành du lịch đã đầu tư vào các dịch vụ như: khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xe vận chuyển, taxi, tàu thuyền du lịch... Thiệt hại to lớn của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng do sụt giảm doanh thu, trả lãi vay, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, chi phí thuê sân bãi, thuê đất, vận hành duy trì hoạt động tối thiểu, trả lương cơ bản cho đội ngũ quản lý, nhân viên, ước 27.300 tỉ đồng.

Đà Nẵng: Kích cầu để từng bước phục hồi du lịch - Anh 1

Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết đang tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên, lao động trong ngành du lịch

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, ngành Du lịch Đà Nẵng đang có những quyết định triển khai định hướng quay lại tự tin và chủ động, tuy nhiên cần lực đẩy của chính quyền để ngành du lịch lấy đà trở lại: “Đà Nẵng đang ở đà tăng trưởng lại khi thu hút 63 tỉnh thành nội địa trong dịp Tết vừa qua, thời gian tới, nếu ngành Du lịch có định hướng chính xác về hướng đi, sản phẩm... thì chắc chắn sẽ thành công, vì hiện nay Đà Nẵng vẫn là điểm đến được tìm đến nhiều nhất, yêu thích nhất. Trong những lần dịch bùng phát, chính quyền, Sở du lịch và các DN tại Đà Nẵng đều cùng bắt tay hành động, tung ra nhiều sản phẩm mới với chính sách phục hồi tích cực. Tuy nhiên để các DN có nguồn lực để duy trì hoạt động trong thời gian tới,  HHDL Đà Nẵng cũng đề nghị thành phố chỉ đạo sâu sát hơn nữa về các chính sách hỗ trợ DN, cụ thể là 2 vấn đề chi phối sự sống còn của DN  như giảm thuế, giãn nợ ngân hàng...”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất Sở LĐ,TB&XH phê duyệt cho 3.497 hướng dẫn viên nhận hỗ trợ với số tiền hơn 12,9 tỉ đồng. Quyết định phê duyệt hỗ trợ 953 lao động tự do bị mất việc làm ở cơ sở lưu trú du lịch từ 20 phòng trở lên, đơn vị lữ hành, khu điểm du lịch  với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng; tiến hành giải ngân cho 144 lao động ngành du lịch với số tiền gần 8,82 tỉ đồng trong dự án hỗ trợ người lao động du lịch vay vốn. Hiện, hơn 11.000 lao động ngành du lịch đã được tiêm đầy đủ vắc xin để sẵn sàng công tác phục vụ trực tiếp; gần 20 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch được mở ra để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên du lịch. TP Đà Nẵng cũng tiếp tục triển khai miễn phí tham quan các khu điểm du lịch do nhà nước quản lý trong năm 2022, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Đà Nẵng: Kích cầu để từng bước phục hồi du lịch - Anh 2

Khách du lịch nội địa là thị trường chủ lực trong năm 2022

Tại buổi làm việc giữa các DN và chính quyền thành phố để nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh du lịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng đã nhấn mạnh, thành phố cần khẩn trương phục hồi lại ngành Du lịch để giải quyết một nhu cầu rất lớn về đời sống cho người dân đang gặp nhiều khó khăn trong hai năm qua do dịch bệnh. Theo đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị Sở Du lịch phải đề ra các quy chế phối hợp cùng các ngành khác để ràng buộc về trách nhiệm nhằm thực hiện hiệu quả việc phục hồi du lịch.

Tạo sản phẩm đặc sắc, thu hút

UBND TP Đà Nẵng vừa yêu cầu Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức khai trương Khu phố du lịch An Thượng và bãi biển đêm Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) trước thời gian ngày 30.4. Đồng thời đề nghị Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng lên kế hoạch cho các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để phụ trợ vào các hoạt động của phố du lịch đêm An Thượng; kêu gọi, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh ở Khu phố du lịch An Thượng khẩn trương chỉnh trang, làm mới, cải tạo cảnh quan, môi trường du lịch để các hoạt động khai trương và phục vụ khách tham quan.

Đà Nẵng: Kích cầu để từng bước phục hồi du lịch - Anh 3

Đà Nẵng có sân chơi rộng lớn cho các sản phầm du lịch đêm 

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở du lịch TP Đà Nẵng, về cơ bản, các DN  tại Đà Nẵng đã sẵn sàng về hệ thống cơ sở dịch vụ, hệ thống sản phẩm để chuẩn bị cho mùa cao điểm về du lịch năm 2022. Theo khảo sát, xu hướng tìm đến du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh, do đó du lịch sinh thái rừng, biển, nông nghiệp, nông thôn sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới. Do vậy, Sở đang tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai hiệu quả các đề án tạo sản phẩm như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái; Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang và Đề án phát triển du lịch Khu Căn cứ cách mạng K20, Đề án  thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hình thành tour du lịch trekking khu vực Hòa Bắc. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để khai trương hoạt động Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ). Ngoài ra, một số dự án du lịch lớn đang được khẩn trương triển khai, như đề xuất một số hạng mục mới phục vụ du lịch quy mô lớn tại Công viên châu Á; Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã có chỉ đạo về tiến độ triển khai. Đặc biệt, dự án Dòng sông ánh sáng cho sông Hàn và các cây cầu đã hoàn thiện phương án thiết kế để triển khai.

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc