Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Hội thảo Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới sẽ diễn ra vào tháng 12

Thứ Tư 22/09/2021 | 20:41 GMT+7

VHO- Ngày 22.9, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và thông tin về Hội thảo Du lịch năm 2021. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị triển khai kế hoạch và thông tin về Hội thảo Du lịch năm 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết: “Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của đại dịch đến ngành Du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đưa ra các quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức dự kiến vào tháng 12 tới tại Nghệ An (trong trường hợp dịch bệnh đã được kiểm soát) hoặc tại Hà Nội (bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp dịch bệnh chưa được kiểm soát).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết Hội thảo sẽ đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành Du lịch và đề xuất các chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới

Theo Nghị quyết số 143/NQ-UBVHGD15 về việc thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban phục vụ Hội thảo Du lịch năm 2021, Ban chỉ đạo do Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng ban; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm Phó trưởng ban. Ban tổ chức do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt làm Phó trưởng ban.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự. Ngoài phiên thảo luận về những vấn đề chung của ngành Du lịch, hội thảo có 3 phiên chuyên đề tập trung về các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; Công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.

Trong đó, Phiên khai mạc với sự hiện diện và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ. Đồng thời, tại phiên này các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề chung, những định hướng lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

Phiên Chuyên đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có sự tham gia của các diễn giả đến từ các cơ quan thuộc Quốc hội sẽ tập trung bàn về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết ngành Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách kích cầu và giải pháp để phục hồi du lịch an toàn, hiệu quả

Chuyên đề định hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, các đại biểu sẽ thảo luận, đề xuất các định hướng, giải pháp để phục hồi ngành Du lịch sau gần 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch sẽ phân tích cơ hội, giải pháp của ngành Du lịch khi bước vào thời kỳ mới. Trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, có những tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, chủ đề ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số được xác định là một vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch thời đại ngày nay.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực, phải giải thể…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các hành động thích ứng với trạng thái bình thường mới đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) công bố Nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các tiểu ban của Hội thảo

Thời gian qua, các Bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bằng những quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã đề xuất giảm thuế, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; sẵn sàng phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)... Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị, trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến tình hình du lịch hiện nay và các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành Du lịch đã nỗ lực, bằng mọi cách để hồi phục. Hiện nay, ngành Du lịch đã xây dựng các phương án để thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang). Bộ VHTTDL và tỉnh Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ để việc đón khách được hiệu quả, an toàn nhất. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cấp 200.000 liều vắc xin cho Phú Quốc để tiêm cho người dân và người lao động trên đảo trước khi thí điểm đón khách từ tháng 10.2021. Mới đây, Bộ VHTTDL cũng ban hành Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, chú trọng thị trường nội địa khi thị trường quốc tế chưa thể mở toàn bộ”.

THÚY HÀ, ảnh TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top