Du lịch Lâm Đồng lấy chất lượng làm trọng tâm
VHO- Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Lâm Đồng giảm mạnh. Nhưng với ưu thế tiềm năng, địa phương này chuẩn bị kế hoạch phục hồi du lịch thời gian tới và dự kiến tăng mạnh vào năm 2022.
Hồ Xuân Hương, Đà Lạt (Lâm Đồng)
Tính đến ngày 30.8, số liệu từ Sở LĐ,TB&XH tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có 1.550 doanh nghiệp phải tạm hoạt động, tập trung chủ yếu thuộc các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, giáo dục... Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, riêng đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có 21 người, tổng đã chi gần 78 triệu đồng; hỗ trợ 265 hộ kinh doanh (trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ) với tổng đã chi 795 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có một doanh nghiệp với 407 lao động, mức đã thực chi trên 1,5 tỉ đồng…
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh, Lâm Đồng dự báo kinh tế phục hồi chậm, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất khẩu… tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trên cơ sở ước đạt kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021, chỉ tiêu Lâm Đồng dự kiến: Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) tăng từ 6,5-7,5%. Riêng lĩnh vực du lịch, tổng lượt khách đăng ký qua lưu trú 5.000.000 lượt, tăng 103,1% so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế 150.000 lượt.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch lấy chất lượng làm trọng tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối du lịch trong nước và quốc tế để phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế ban đêm (thí điểm tại thành phố Đà Lạt). Xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại chỗ “Người địa phương đi du lịch địa phương”. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kích cầu du lịch ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao như: nâng cấp, mở rộng dự án Khu du lịch thác Bobla ở huyện Di Linh; các Khu du lịch ở Đà Lạt như: Thung lũng Tình yêu, Thác Prenn và một số dự án tại Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm… Một số công trình trọng điểm có tác động đến phát triển ngành du lịch sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ…
MINH ĐẠO