Đà Nẵng: Linh hoạt đáp ứng nhu cầu của du khách
VHO- Dù đứng trước tình thế khó khăn nhưng ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đang xây dựng lộ trình để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi và phát triển thị trường trong tương lai, sẵn sàng để đáp ứng linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể.
Ngành dịch vụ lưu trú tại Đà Nẵng hình thành nhiều sản phẩm chất lượng làm vừa lòng du khách
Đón đầu nhu cầu của du khách
Định hướng phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021-2025 của TP Đà Nẵng là chú trọng đặc biệt đến sản phẩm dịch vụ kinh tế ban đêm trên 4 lĩnh vực dịch vụ: Văn hóa; vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và tham quan du lịch. Tiến tới đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ như: Du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới... Ngoài ra thay vì tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển như những năm trước, Đà Nẵng bắt đầu khai thác các tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm, từ du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch MICE, sự kiện, lễ hội, đến du lịch cộng đồng thủy nội địa. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận: “Với diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ưu tiên hàng đầu của du khách là vấn đề an toàn y tế, đảm bảo sức khỏe, bên cạnh đó khách cũng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn và chú trọng vào chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí vẫn là mục đích của đa số thị trường khách”.
Thời gian qua tại Đà Nẵng, nhiều sản phẩm mới cao cấp được đưa vào hoạt động, như trong dịch vụ lưu trú là Nam An Retrest; Hilton Da Nang; Mường Thanh Luxury; Vinpearl Resort & Spa... Cùng các các chuỗi bảo tàng chuyên đề mang tính ấn tượng và khá thu hút: Bảo tàng Mỹ Thuật, Nhà Trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng nghệ thuật tranh 3D, dịch vụ mới tại bán đảo Sơn Trà, điểm du lịch cộng đồng người Cơ Tu tại Tà Lang - Giàn Bí... và nhiều địa điểm dịch vụ chất lượng hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng. Sản phẩm du lịch của Đà Nẵng trong tương lai cũng sẽ đáp ứng được sự đa dạng khi liên kết được các ngành, mảng để tạo thành một chuỗi sản phẩm du lịch hoàn thiện như các khu du lịch phát triển cộng đồng tại Hòa Vang, Nam Ô - Liên Chiểu, Mân Thái, Thọ Quang - Sơn Trà; di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2), khu căn cứ cách mạng di tích K20; di tích Hải Vân Quan, Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở 42 Bạch Đằng sau khi được nâng cấp.
Ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng tập trung triển khai loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, kết hợp với các trung tâm triển lãm, hội nghị hội thảo nhằm thu hút các đoàn khách MICE, Golf, tổ chức du lịch khen thưởng để thu hút lượng khách lớn thường xuyên. Với lợi thế các sân golf Montgomerie Links, sân BRG DaNang Golf Resort, sân Ba Na Hills Golf Club, Laguna Golf Lăng Cô, Golf Nam Hội An mang đẳng cấp quốc tế, thành phố Đà Nẵng có thể phát triển sản phẩm du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tour golf tại các sân Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các chương trình wellness và thiền.
Số đông chọn du lịch tại chỗ
Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng đã tiến hành khảo sát ý kiến nhu cầu của người dân về du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế. Kết quả cho thấy 86,7% có nhu cầu đi du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế; 6,7% tâm lý lo ngại dịch bệnh hoặc lý do tài chính sẽ không đi và 6,6% lựa chọn đi du lịch tại địa phương khác. Yếu tố mà người dân quan tâm nhất khi đi du lịch là chính sách về giá chiếm 58,5%; ủng hộ doanh nghiệp địa phương chiếm 49,7%; các biện pháp phòng dịch an toàn chiếm 49,6%; chất lượng dịch vụ chiếm 48,7%; ngại đi du lịch xa do ảnh hưởng của dịch bệnh chiếm 46,4%. Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, từ kết quả khảo sát này, ngành du lịch sẽ có các giải pháp để duy trì và nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân địa phương; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng an toàn, xóa bỏ tâm lý lo ngại của người dân địa phương và định hướng phát triển sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, để bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp; tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng sinh viên ngành du lịch; điều tra khảo sát năng lực doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, ban hành 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm, Sở Du lịch TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khoảng 30 lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hàng nghìn học viên; triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025.
Về nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các hoạt động ngành, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất: Thành phố cần tăng cường các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch và thay đổi tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch, mở cuộc điều tra về tình hình nhân sự du lịch cho tương lai và đề xuất hướng giải pháp vĩ mô; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng.
MINH CHÂU