Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Du lịch Việt Nam-Những việc cần làm để tăng tốc

Chủ Nhật 01/08/2021 | 13:43 GMT+7

VHO- Dịch bệnh đang hoành hoành khắp thế giới, chưa biết lúc nào khống chế được. Dù tìm đủ cách phục hồi, du lịch vẫn thoi thóp vì không thể mạo hiểm với sự an nguy của từng đất nước. Một điều chắc chắn, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về con người. Du lịch sẽ bung ra như lò xo lâu ngày bị nén.

Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế

Ngay trong giai đoạn khó khăn này, nhiều nước đã tích cực chuẩn bị cho du lịch hồi sinh, không thụ động chờ, vì sợ “trâu chậm uống nước đục”. Đây cũng là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại. Mấy năm gần đây, Du lịch Việt Nam, dù hết sức cố gắng, có những tăng trưởng ngoạn mục nhưng vẫn chưa thể lọt vào top 3 của ASEAN.

Nhìn sang Thái Lan

Dân số Thái Lan hiện nay gần 70 triệu (Việt Nam hơn 98 triệu), diện tích là 513.120 km2 (Việt Nam 331.212 km2). Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch Thái Lan, không chỉ là “anh cả” ASEAN mà của ASIA. Gần 10 năm trước, quán quân du lịch ASEAN là Malaysia nhiều năm liền, sau đó bị người Thái soán ngôi ngoạn mục. Năm 2019, du lịch Thái Lan đón 39,8 triệu khách quốc tế, xếp thứ 8 thế giới; Trung Quốc xếp thứ 4 với 65,7 triệu khách.

Ấn tượng nhất, dù xếp thứ 8 thế giới về lượng khách quốc tế nhưng Thái Lan ngạo nghễ ở vị trí thứ 4 về doanh thu với hơn 63 tỉ USD. Ngược lại Trung Quốc xếp thứ 4 về lượng khách quốc tế nhưng doanh thu chỉ xếp thứ 10 với 40,4 tỉ USD. Thái Lan là bậc thầy về các chiêu trò dụ khách chi tiêu.

Thái Lan nằm trong top 5 những nước có doanh thu du lịch cao nhất thế giới

Thái Lan hầu như không có cao nguyên và hang động đặc sắc, chỉ có một ít chợ nổi nhân tạo. Các chợ nổi đặc thù Việt Nam đang bị chìm dần vì cung cách quản lý quan liêu. Chieng Mai (Thái Lan) chỉ cao 310 mét so với mặt nước biển và núi cao nhất nước là Doi Inthanon 2.575m. Thái Lan có 5 di sản thế giới (Việt Nam 8 di sản gồm: thiên nhiên, văn hóa và hỗn hợp cùng hàng chục di sản thế giới phi vật thể). Chiều dài bờ biển Thái Lan tương đương Việt Nam (3.219/3.444km) nhưng chất lượng các bãi tắm thì thua xa Việt Nam.

Ở Thái Lan, cái gì cũng có thể làm du lịch. Thị trấn Amphawa cách Bangkok 80km có tượng đài đom đóm và tour xem đom đóm cực chất. Tôi mê nhất là cách người Thái đốt thủ công các loại trái cây điếc để khử mùi, đuổi côn trùng. Hoặc lấy nước từ bông thốt nốt làm thức uống, làm đường, làm rượu phục vụ du khách. Tôi từng đi học người Thái về Out Door Training với trò độc “đi cầu khỉ độ cao 7 mét không có tay vịn”...

Chợ nổi ở Thái Lan

Hệ thống quản lý du lịch của người Thái theo ngành dọc. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) là cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Chính phủ, trực tiếp bổ nhiệm nhân sự và trả lương cho các Sở Du lịch. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan chỉ là cơ quan tham mưu. TAT hiện có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài gồm 6 ở châu Âu, 18 ở châu Á, 2 ở châu Mỹ, 1 ở châu Đại Dương.

Khi người Thái mạnh dạn mở cửa đón khách quốc tế sử dụng “hộ chiếu vắcxin ở Phuket thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thí điểm, Thủ tướng chỉ đạo và các bộ, ngành xây dựng kế hoạch, thống nhất ý kiến. Để đón khách du lịch, người Thái đã ưu tiên tiêm chủng đủ liều cho hơn 70% dân số Phuket (hơn 300.000/450.000 người). Việt Nam đang đề xuất thí điểm ở Phú Quốc và một số nơi khác như Quảng Nam, Khánh Hòa cũng đề nghị được thí điểm “hộ chiếu vắcxin”.

Những điểm nghẽn của Du lịch Việt Nam

Khi tham gia gỉảng dạy về du lịch ở các trường đại học, tôi thường ra câu hỏi trước, để sinh viên chuẩn bị ở nhà về những điểm mạnh, yếu của Du lịch Việt Nam nhằm thảo luận, phản biện. Phần lớn, các em đều liệt kê gần đúng, dù chưa tập trung. Điểm nghẽn nhất của Du lịch Việt Nam là con người, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Từ quản lý đến quy hoạch, từ đào tạo đến phân công, từ vệ sinh môi trường đến thực phẩm, từ giao thông đến an ninh xã hội…

Việt Nam được đánh giá là đất nước giàu tài nguyên du lịch, có nhiều cảnh quan hùng vĩ, bờ biển dài hơn 3200km, nhiều quần đảo, đảo đẹp

Các điểm mạnh của Du lịch Việt Nam, các em cứ liệt kê theo sách vở. Từ truyền thống yêu nước đến lao động, từ lễ hội đến chiều dài bờ biển, từ sự quan tâm của nhà nước đến ổn định chính trị…Những thế mạnh này, nhiều nước ở ASEAN hơn Việt Nam. Các em chỉ nói được phần nào sự đa dạng của tài nguyên Du lịch Việt Nam. Còn ẩm thực, đa phần các em không nhắc tới. Trong khi, theo tôi, hai điểm mạnh nhất của Du lịch Việt Nam là tài nguyên phong phú và ẩm thực đa dạng.

Việc đầu tiên, phải làm ngay để Du lịch Việt Nam tăng tốc là “giải phóng tư duy du lịch”. Tôi vẫn thường nửa đùa, nửa thật rằng: Du lịch Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, có nhiều thế mạnh, hơn hẳn nhiều nước, mà mạnh nhất là “mạnh ai nấy làm”. Không chỉ thiếu sự phối hợp giữa các ngành mà còn giữa các đơn vị trong cùng địa phương, trong ngành với nhau. 

Phải thay đổi tư duy để dẫn tới hành động cụ thể. Thay đổi từ cách hội họp, hội nghị, hội thảo đến việc tổ chức lễ hội, từ báo cáo đến điển hình, khen thưởng… Chuyển từ tư duy làm phong trào sang tư duy kinh tế mà hiệu quả phải là ưu tiên hàng đầu. Quan trọng là doanh thu đầu khách và lợi nhuận chứ không phải lượng khách. Chấn chỉnh việc lạm dụng các thuật ngữ chuyên ngành.

Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng phát triển tuy nhiên chưa có định hướng rõ ràng, chính sách rõ ràng

Tập trung hơn cho du lịch nông thôn, nông nghiệp. Cần phân biệt rõ việc các doanh nghiệp đầu tư cho du lịch nông thôn và nông dân làm du lịch nông nghiệp để làm giàu chính đáng với các garden stay, village stay, các làng bản du lịch cộng đồng. Nhân rộng các mô hình hiện có. Loại hình homestay (ăn, ở, sinh hoạt chung với người dân) đúng nghĩa, chỉ thực hiện được với tầng lớp trung nông trở lên, khó phổ biến.

Ngay bây giờ, phải tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh Thái Lan, cả lây nhiễm lẫn tử vong đều gấp mấy lần Việt Nam; họ vẫn mạnh dạn mạo hiểm có tính toán, khi thí điểm mở cửa du lịch với “hộ chiếu vắcxin” ở Phuket. Singapore, chuẩn bị mở cửa du lịch vào tháng 9. Indonesia đang đối mặt thảm hoạ nhưng vẫn tính việc mở cửa Bali. Dĩ nhiên phải thận trọng, cân nhắc kỹ. Quan trọng là người dân, nhất là những vùng mở cửa du lịch phải được ưu tiên tiêm chủng và kiểm soát được dịch bệnh. Dù thế nào, an toàn vẫn phải được đặt lên cao nhất.

Phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ

Du lịch Việt Nam thua xa Thái Lan về tinh thần lẫn thái độ phục vụ, kém hẳn người Thái về marketing, PR sản phẩm; nối kết các ngành, các địa phương và tận dụng tối đa tài nguyên, thậm chí tạo ra tài nguyên du lịch mới.

Hệ thống hang động của Việt Nam cực kỳ phong phú, có những hang động đẹp nhất thế giới như hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình

Rất nhiều nước họ chỉ coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng (chứ không phải ưu tiên là ngành kinh tế mũi nhọn như Việt Nam) nhưng họ có nhiều việc làm cụ thể để biến điều đó thành hiện thực, không phải hô hào suông. Phải bắt đầu từ con người, điểm nghẽn lớn nhất. Không phải bằng đào tạo lý thuyết suông, đủ thứ bằng cấp nhưng thiếu cả thực tiễn lẫn tình yêu nghề nghiệp và đất nước.

Chưa hiểu thì khó yêu. Chưa yêu quê mình đủ, làm sao rủ khách tới. Dịch bệnh mới càng thấm thía việc xác định du lịch cần đi bằng cả hai chân, không thể xem thường nội địa. Hướng dẫn viên nội địa và quốc tế đều cùng trình độ học vấn, nghiệp vụ; chỉ khác nhau về khả năng sử dụng ngôn ngữ và hiểu văn hóa của ngôn ngữ đó.

Một trong những nội dung của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021- 2030 trong lĩnh vực Du lịch là: Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó có ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Du lịch cộng đồng tại một số tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cần được ưu tiên đầu tư, phát triển thời gian tới

Chủ trương và nội dung này quá hợp tình, hợp lý; không có gì bàn cãi. Vấn đề là cụ thể hóa với những bước đi chi tiết. Du lịch cộng đồng đúng nghĩa, gắn với nông thôn, nông nghiệp và sẽ là xu thế tất yếu của du lịch thế giới sau đại dịch Covid 19. Việt Nam đã chủ động xác định mục tiêu để tập trung đầu tư là tín hiệu đáng mừng. Đầu tư nào cũng cần rất nhiều tiền, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng, không thể chần chừ nếu muốn tăng tốc.

Tuy nhiên, trước khi làm việc lớn, cần làm ngay những chuyện nhỏ, không tốn kém; địa phương nào, cá nhân nào cũng có thể làm được, nếu thật lòng muốn thay đổi diện mạo ngành Du lịch. Đó là cải thiện và nâng chất tinh thần lẫn thái độ phục vụ. Ngành Du lịch tiên phong đột phá, lấy nụ cười và thái độ thân thiện làm “vũ khí”, khởi đầu chiến lược cạnh tranh và phát triển.

Muốn liên kết giữa các ngành thì trong nội bộ ngành phải liên kết trước. Các địa phương cũng vậy. Phải liên kết trong từng tỉnh, thành, trước khi liên kết vùng; liên kết giữa các cục, vụ trong Bộ, trước liên kết bộ, ngành. Bằng những việc làm thiết thực chứ không phải rình rang hội nghị, hội thảo, ký kết hoành tráng, tốn kém mà chẳng giải quyết được gì. Việc quan tâm phải được thể hiện bằng chính sách cụ thể, bên cạnh các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động.

Mọi thay đổi phải từ con người, vì thế, đào tạo nhân lực du lịch phải được chú trọng hơn trong thời gian tới

Những yếu kém do con người tạo ra thì chính con người phải khắc phục và tìm cách bù đắp những hạn chế tự nhiên. Hầu hết các món ngon nhân loại đều được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn với sự tài tình của các đầu bếp. Sản phẩm du lịch cũng vậy. Không sợ cũ, không sợ thiếu. Chỉ sợ không muốn làm và không chịu làm.

Làm gì cũng phải học. Từ chuyện nhỏ đến việc lớn. Học ở trường, học ở đời, học thầy, học bạn và học từ nhân dân. Làm liều, làm đại thì kiểu gì cũng thất bại hoặc tổn thương. Đừng “thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào” nhưng cũng không thể làm theo kiểu phong trào, làm để báo cáo, đăng báo, đạt chỉ tiêu, giải ngân…

Cần tạo điều kiện cho các nhà tư vấn thực tiễn hỗ trợ nông dân và các địa phương làm du lịch. Gọi là tư vấn thực tiễn vì họ có mô hình hiệu quả, dám đồng hành và bảo hành dự án. Chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân cùng nhà tư vấn; có quan hệ bình đẳng, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau, cùng có lợi theo mô hình tam giác đều.

Du lịch Việt Nam có nhiều việc phải làm, từ những việc nhỏ để vươn lên thành điểm đến hấp dẫn thế giới và đừng từ bỏ mơ ước bỏ qua Thái Lan

Làm gì cũng phải hết lòng. Mình không phụ nghề thì nghề chẳng bao giờ phụ mình. Doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất những mô hình hay, kinh doanh giỏi. Nhà đầu tư tùy từng điều kiện để đầu tư vào những dự án tầm cỡ quốc tế và cả những dự án nhỏ nhưng có lợi cho cộng đồng, xã hội và bền vững. Cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe nhiều hơn các ý kiến phản biện; dám mạnh dạn điều chỉnh sửa sai những nội dung không phù hợp, khuyến kích những doanh nghiệp có tâm phát triển bền vững vì cộng đồng. Được vậy, Du lịch Việt Nam nhất định tăng tốc. Bóng đá Việt Nam trước đây xem Thái Lan là ông Kẹ, nay đã “vượt qua chính mình”, tự tin đối mặt ngang ngửa.

Bóng đá Việt Nam đã làm được, Du lịch Việt Nam, tại sao không?

NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top