Nhân lực du lịch phải thích ứng với tình hình mới
VHO- Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngành Du lịch trong đó có đội ngũ lao động của ngành bị ảnh hưởng nặng nề, đòi hỏi cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực thích ứng được với Cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch Ảnh: BÌNH THUẬN
Khủng hoảng nhân lực ngành Du lịch
Có thể nói, chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được hoàn thiện, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được ban hành… là các nền tảng rất quan trọng cho ngành Du lịch phát triển bứt phá. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cho du lịch tăng mạnh, số lượng khách sạn, khu resort cao cấp không ngừng được xây dựng và đưa vào hoạt động, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tập trung đầu tư làm cho bộ mặt ngành Du lịch có những thay đổi trong thời gian gần đây. Các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, nội địa, sự phát triển của các doanh nghiệp khách sạn, du lịch; hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch và đội ngũ những người làm du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2019, Du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%; tổng thu du lịch đạt 755.000 tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2018. Lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch ước tính lên tới hàng triệu người.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã có những tác động ghê gớm tới hoạt động của ngành Du lịch, trong đó đáng lo ngại là gần như tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động; khách sạn đóng cửa vì không có khách, rao bán hàng loạt; nhân lực lao động trước thì không đủ để phục vụ khách, nay thì không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Việc rời bỏ nghề du lịch chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay khác biệt với biểu hiện “nhảy việc” thông thường trong lĩnh vực du lịch, trước đây người “nhảy việc” hầu như vẫn hoạt động trong ngành, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Có lẽ chưa bao giờ, ngành Du lịch gặp phải hiện trạng như hiện nay. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý trợ cấp 1 lần (3,71 triệu đồng/ người) cho các hướng dẫn viên du lịch - những người đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành suốt thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo đề xuất của Bộ VHTTDL và Bộ LĐ,TB&XH. Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ này có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai.
Hơn nữa, có một thực tế là khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi ngành Du lịch hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 những nhân lực bỏ nghề có thể sẽ không quay trở lại làm việc. Theo dự báo sau khi đại dịch được khống chế, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng rất cao. Đây cũng là bài toán cần có lời giải.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển nhanh; hệ thống ngành đào tạo và bậc đào tạo đã được hoàn thiện từ sơ cấp đến sau đại học. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp… theo đó người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội. Có thể nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển cả về số lượng và cơ cấu; tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành Du lịch nói chung dần được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của ngành. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại những bất cập đối với đội ngũ nhân lực đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp cần phải quan tâm để giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Tăng tỉ lệ nhân lực du lịch được đào tạo bài bản
Hiện nay, tỉ lệ nhân lực du lịch được đào tạo bài bản dù có tăng nhưng nhân lực chưa được đào tạo bài bản vẫn còn cao. Bên cạnh đó, tính cân đối trong nhân lực chưa phù hợp.
Biểu hiện của việc mất cân đối trong cơ cấu nhân lực theo ngành nghề, lĩnh vực, cấp độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ nhân lực cấp cao và ngoại ngữ phục vụ yêu cầu công việc. Bên cạnh đó là việc mất cân đối về quy mô, số lượng và chất lượng nhân lực du lịch giữa các địa phương, vùng miền vẫn còn rõ rệt. Vấn đề “nhảy việc” trong lĩnh vực du lịch lâu nay vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc thu hút nhân lực từ các doanh nghiệp khác và cất nhắc các vị trí quản lý cấp trung gian khi chưa đủ năng lực thực sự và chưa phù hợp với năng lực, sở trường cũng là vấn đề còn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung. Những vấn đề xung quanh đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và tính nhạy cảm của người làm du lịch vẫn còn bất cập. Việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và bản thân người lao động còn hạn chế.
Từ những diễn biến thực tế và trạng thái bình thường mới, tôi cho rằng cần phải có một số cơ chế, chính sách trong trước mắt nhằm giải quyết vấn đề nhân lực sau đại dịch và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, thời gian tới cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các chủ thể liên quan trực tiếp với ngành Du lịch và triển khai đồng bộ một số cơ chế, chính sách. Rất cần rà soát tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng thất thoát nhân lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có chính sách khuyến khích, thu hút người lao động du lịch trở lại làm việc sau đại dịch. Cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các chủ thể và có những phương án, kịch bản phù hợp.
Đồng thời rà soát hành lang pháp lý liên quan đến đào tạo, sử dụng nhân lực; các chế độ chính sách phù hợp và quan tâm đến những ngành, lĩnh vực dễ bị tổn thương trong đó có ngành Du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực của ngành. Cần có và thực thi có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp du lịch, lao động du lịch… Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với đào tạo và bổ sung kiến thức thực tiễn để các doanh nghiệp có khả năng tồn tại và chịu được sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chống chọi với những khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Năm 2030 tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.
Nhân lực du lịch phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của doanh nghiệp du lịch và chịu ảnh hưởng lớn của thị trường lao động, các thỏa thuận hợp tác quốc tế về dịch chuyển lao động và xu thế toàn cầu hóa, vì thế, về lâu dài, cần có những định hướng, nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng tỉ lệ nhân lực du lịch được đào tạo bài bản, có năng lực thích ứng cao với thực tiễn.
Trong đó quan tâm việc phát triển cân đối với số lượng, cơ cấu vùng miền, cơ cấu chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ; cơ cấu trong các đối tượng nguồn nhân lực từ nhân lực quản lý nhà nước, nhân lực sự nghiệp (đào tạo và nghiên cứu khoa học), nhân lực quản lý doanh nghiệp cấp cao, trung và nhân lực trực tiếp. Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực thể hiện rõ ở tính chuyên nghiệp, định hình được tính nhạy cảm nghề nghiệp, trung thực và có đạo đức trong cung cấp dịch vụ du lịch; có tính cạnh tranh trong dịch chuyển lao động khu vực ASEAN và tham gia vào lực lượng lao động quốc tế; thích ứng được với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Xây dựng và vận hành hành lang pháp lý phù hợp đối với đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch. Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, khuyến khích, thu hút người tài, tạo ra thị trường lao động du lịch bền vững. Đảm bảo có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chủ thể liên quan trong đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thay đổi nhận thức của các chủ thể, người lao động, doanh nghiệp và xã hội về ngành Du lịch, nghề nghiệp lĩnh vực du lịch.
LÊ ANH TUẤN (Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL)