Đầu tư hạng mục, tạo điểm đến du lịch trên tuyến thủy nội địa CT15 tại bán đảo Sơn Trà
VHO- Với định hướng đầu tư điểm đến mới hấp dẫn dành cho du khách tham gia các tour du lịch đường thủy, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn giao các ngành liên quan kết nối với các đơn vị kinh doanh, đưa ra lộ trình khai thác hiệu quả sau khi tuyến du lịch đường thủy nội địa tại khu vực bán đảo bán đảo Sơn Trà đi vào hoạt động.
Đầu năm 2021, Bộ Quốc phòng đã đồng ý với Đà Nẵng về chủ trương khai thác tuyến thủy nội địa từ Bến tàu CT15 - Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa và tuyến CT15 ven biển. Trong tương lai khi hình thành, tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến CT15 đi Bãi Đa sẽ là sản phẩm du lịch biển mới rất hấp dẫn, tuy nhiên hiện nay trên tuyến chưa hình thành điểm đến để phát triển sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách.
Bến thủy nội địa CT15 trong tương lai sẽ là địa điểm đẹp phục vụ khách tham quan
Công trình đầu tư bổ sung các hạng mục tại bến thủy nội địa Sơn Trà (bến CT15) được Sở Kế hoạch Đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 124/QĐ-SKHĐT ngày 16.4.2020, hiện nay Ban quản lý đang thực hiện thi công bổ sung các hạng mục để đưa vào sử dụng với chức năng là bến thủy nội địa (bến đi và về, có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng), theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn 1173/UBND-SDL ngày 4.3.2021 về việc khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa tại bán đảo Sơn Trà, trong đó giao Sở Du lịch, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) kết nối với các đơn vị kinh doanh để đẩy mạnh tiến độ, nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm du lịch mới chào đón mùa hè năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, vừa qua, đơn vị đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch TP, chủ đầu tư khu du lịch (KDL) sinh thái Biển Đông mở rộng và chủ đầu tư KDL sinh thái cao cấp Sơn Trà, cùng các doanh nghiệp liên quan để bàn giải pháp đầu tư, hình thành điểm đến trên tuyến thủy nội địa CT15 đi Bãi Đa. BQL đã kiến nghị, đề xuất xem xét và điều chỉnh lại quy định đối với yêu cầu của phương tiện cho phù hợp với vùng hoạt động khả năng khai thác khách, và điều kiện thực tế tại bán đảo Sơn Trà, vì hiện nay quy mô bến CT15 đủ tiếp nhận tối đa tàu có sức chứa dưới 50 khách, tuyến hoạt động 5,5m nên việc đầu tư đóng tàu SB, sức chứa trên 30 chỗ sẽ gây lãng phí, khó khăn cho doanh nghiệp.
Tạo cảnh quan tại bến CT15
Đồng thời qua rà soát quỹ đất và các dự án ven bán đảo Sơn Trà, cụ thể là khu vực nằm trong tuyến vận tải đường thủy nội địa tại bán đảo Sơn Trà, đề xuất UBTP đồng ý chủ trương chọn vị trí tại KDL sinh thái Biển Đông và KDL sinh thái cao cấp Sơn Trà để xã hội hóa đầu tư hình thành điểm đến trên tuyến, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan là Sở Du lịch, Sở GTVT hướng dẫn các chủ dự án thực hiện thủ tục nhanh chóng để đầu tư, thi công, lắp đặt cầu tàu tạm để hình thành bến đón khách. BQL kiến nghị TP giao cho đơn vị xây dựng phương án khoanh vùng để thực hiện công tác quản lý và khai thác dịch vụ lặn ngắm san hô tại khu vực Hòn Sụp và Bãi Nam để vừa tạo sản phẩm du lịch trên tuyến, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái.
Trước đó, TP Đà Nẵng cũng có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất mở thêm 2 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, bao gồm: Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) và Đà Nẵng - Lý Sơn với kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân các địa phương và thu hút khách du lịch các vùng lân cận, đánh giá rất cao lộ trình phát triển du lịch đường thủy này, tuy nhiên ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng sau khi hình thành tuyến, các bên liên quan cần khảo sát một cách cụ thể để có thêm sảm phẩm du lịch thật sự mới mẻ và hấp dẫn.
NGỌC HÀ