Giữa cao nguyên đá, thấy Tổ quốc mình còn đẹp hơn tranh

VH- Trong những tỉnh miền núi phía Bắc, trừ Lào Cai với Sa Pa đã trở thành điểm đến quen thuộc từ thời Pháp, Hà Giang hiện nay là điểm đến du lịch nổi bật nhất, thay đổi mạnh mẽ nhất.

Giữa cao nguyên đá, thấy Tổ quốc mình còn đẹp hơn tranh - Anh 1

Cột cờ Lũng Cú

Du lịch làm nên thương hiệu của Hà Giang

Điều đầu tiên và đáng nói nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Hà Giang để làm du lịch. Trong nhiều năm, các lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hà Giang kiên trì gặp gỡ các doanh nghiệp lữ hành, gặp gỡ các nhà đầu tư, báo chí và cả khách du lịch để lấy ý kiến, lắng nghe những góp ý khen ngợi và cả những phàn nàn nhằm có những thay đổi phù hợp với thực tế để thu hút khách, phục vụ khách chuyên nghiệp hơn. Điều này không phải tỉnh nào cũng làm được.

Để đến hôm nay, lên cao nguyên đá Đồng Văn, có thể nhận thấy đường đến các điểm du lịch đã được mở rộng hơn, thông thoáng an toàn hơn, hệ thống khách sạn và nhà hàng nhiều hơn. Cho dù, những thiếu thốn trên cao nguyên đá không thể nào khắc phục triệt để được, nhất là việc thiếu nước. Hàng chục năm nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, không đầu tư lớn ở Hà Giang được vì nơi này còn quá khó khăn. Bên cạnh đó, địa phương cũng chủ động đưa ra những điều kiện cho người dân bản địa tham gia vào hoạt động du lịch như khuyến khích người dân gieo trồng và sản xuất đặc sản từ hoa tam giác mạch và các dịch vụ vận chuyển, lưu trú homestay để cải thiện đời sống. Nhắc đến hoa tam giác mạch là người ta nghĩ ngay tới Hà Giang. Đó cũng là thương hiệu du lịch mà Hà Giang mất nhiều năm mới có được. Song song với đó là kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển qua các hoạt động khảo sát, hội nghị quảng bá, lễ hội hoa tam giác mạch, biểu diễn khèn Mông, lễ hội chợ tình Khâu Vai… để thu hút khách.

Với cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, cao nguyên đá Đồng Văn được xem là nơi lý tưởng để tổ chức loại hình du lịch, thể thao mạo hiểm. Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc công ty Du lịch Thế hệ trẻ (TP.HCM), người được mệnh danh là ma xó vùng Đông Tây Bắc, chuyên thiết kế những tour khó đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo cho rằng: “Trước hết, Hà Giang cần đưa hẻm vực Tu Sản vào khai thác du lịch bởi đây là cảnh quan kỳ vĩ nhất đèo Mã Pí Lèng, là nơi được chọn là điểm trung tâm trong logo của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Ai có dịp qua đèo Mã Pí Lèng cũng nhìn về hẻm núi Tu Sản và dòng sông Nho Quế với một ước mơ cháy bỏng là được đặt chân đến cảnh quan độc nhất vô nhị này”.

Giữa cao nguyên đá, thấy Tổ quốc mình còn đẹp hơn tranh - Anh 2

Cảnh thanh bình trên cao nguyên đá Đồng Văn

Giữ cho cao nguyên đá những gì thuần khiết nhất

Hẻm núi Tu Sản nằm dưới vực sâu của dãy núi trong khu vực đèo Mã Pí Lèng khoảng 700- 800m thuộc địa phận xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Có hai đường xuống hẻm núi này là từ thị trấn Đồng Văn xuống thôn Má Lú, thôn Bản Mồ của dân tộc Giáy, Tày, Nùng rồi vượt qua cầu treo vắt ngang sông Nho Quế trước khi xuống hẻm vực. Chặng đường này dài 9 km, trong đó chiếm quá nửa là đường đất. Lối thứ hai từ đèo Mã Pí Lèng đi bộ theo đường mòn vòng vèo sườn núi để xuống hẻm, cũng dài độ 9- 10 km. Dù vất vả nhưng phải nói, khách đi tuyến này sẽ cực kỳ thích thú vì được thỏa chí tản bộ trong khe núi giữa hai vách đá sừng sững, cao đến 300- 400m, được đắm mình trong làn nước màu ngọc lục bảo của sông Nho Quế và chiêm ngưỡng những hang động ăn sâu trong lòng núi. Nếu đi trên đường này, khách còn được giao lưu với bà con dân tộc thôn Thín Ngài, một xóm nhỏ với hơn 10 nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương cổ kính. Một hình ảnh bản làng cổ xưa, bình dị, đầy sắc màu miền sơn cước vùng Đông Bắc. Mới nói, đứng giữa mênh mông của cao nguyên đá Đồng Văn, thấy Tổ quốc mình còn đẹp hơn tranh là vậy.

Huyện Mèo Vạc đang hướng đến mục tiêu trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh và tiến hành quy hoạch lại quần thể du lịch Mã Pì Lèng gắn với du lịch sinh thái- văn hóa. Điểm nhấn trong quy hoạch chính là vùng lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi sừng sững; hai bên bờ sông có những cánh rừng xanh ngút ngàn, đan xen với màu đá xám, những bản làng nhỏ nằm yên bình bên các sườn núi tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, khung cảnh yên bình. Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Nho Quế được quy hoạch thực hiện tại 2 xã Pả Vi và Pải Lủng, điểm đầu và cuối lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 với các sản phẩm, dịch vụ lưu trú resort nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch trải nghiệm văn hóa “hai cùng” (cùng ăn, cùng lao động); dịch vụ du lịch thể thao cảm giác mạnh (chèo thuyền lòng hồ, đi bộ, leo vách núi đá…) trên diện tích đất dự kiến 50 ha, tổng giá trị đầu tư của dự án 150 tỉ đồng.

Trước khi đến Đồng Văn, Mèo Vạc, hãy phiêu cực độ với những khúc cua tay áo, dốc tức ở Yên Minh. Dừng ngắm những đồi hoa tam giác mạch tím tím hồng hồng vô cùng lãng mạn giờ đã thành thương hiệu của Hà Giang dọc quốc lộ 4C ở Na Khê, Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh, Ma Lé, Lũng Táo, Lũng Cú, Sủng Trái, thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng. Vẫn ở cao nguyên đá này, ngoài cổng trời Quản Bạ, núi Cô Tiên, vực núi Tu Sản, đỉnh Mã Pí Lèng, thung lũng Thèn Ván, Lũng Cú, còn có hang Lùng Khúy, được mệnh danh là đệ nhất hang động Hà Giang, một động đá hoang sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy.

Lấy cao nguyên đá làm trung tâm, hiện nay Hà Giang đã mở rộng khai thác du lịch ra các huyện, thị khác. Khách du lịch lại mê mẩn với sông Gâm- Bắc Mê ẩn chứa bao cảnh đẹp, Hoàng Su Phì sở hữu những thửa ruộng bậc thang đẹp ngẩn ngơ bên những triền núi cao. Từ Hà Giang khách có thể xuôi sông Gâm đến Na Hang (Tuyên Quang) thưởng thức tour sông nước phía Bắc mạo hiểm và hoang dã hoặc theo quốc lộ 34 đến tận Cao Bằng, ngược về Yên Phú - Bắc Mê rồi rẽ sang quốc lộ 279 đến Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn). Hà Giang lúc này lại là trung tâm kết nối tour đến các tỉnh vùng Đông Bắc.

Nguyễn Anh

Ý kiến bạn đọc