Tin ở mùa xuân mới
VHO- Năm 2020 qua đi với nhiều tổn thất của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng. Tưởng dịp Tết Nguyên đán sẽ lấy lại được phần nào những gì đã mất, không ngờ dịch bùng phát trở lại trong cộng đồng khiến nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương trở tay không kịp.
Người dân du xuân Tân Sửu ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm tuân thủ quy định 5K Ảnh: BÌNH THUẬN
Thế nhưng ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S vẫn rất an toàn, đang dang tay đón khách và những người làm du lịch vẫn tin ở một mùa xuân mới.
Làm lại từ đầu
TP.HCM, trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, thế nhưng trong dịp Tết Nguyên đán công suất phòng khách sạn 3 - 5 sao chỉ đạt dưới 10% (trong khi đó năm 2020 công suất phòng đạt 23%, năm 2019 là 80%). Các booking liên hoan tất niên, tiệc cưới, gặp mặt… đều huỷ hết. Lao động du lịch ở các khách sạn 3-5 sao cũng chỉ còn khoảng 10% có việc làm. Các mảng lữ hành, vận chuyển du lịch ở TP.HCM đóng băng vì không có khách. Lượng khách sụt giảm mạnh, khách đoàn rất ít, chủ yếu là khách lẻ đi chương trình Tết nhưng cũng hoàn, huỷ, hoãn gần hết, thậm chí có khách huỷ cả lịch trình tháng 3, tháng 4. Không chỉ huỷ các tour đi xa, phải di chuyển bằng máy bay mà tour gần khách cũng huỷ. Người dân không về quê ăn Tết vì sợ dịch nhưng cũng tự du xuân mà không qua công ty du lịch. Du lịch TP.HCM tập trung khai thác mảng city tour và staycation (du lịch tại chỗ) với mức giá các khách sạn cao sao giảm mạnh, nhiều chương trình ẩm thực hấp dẫn nhưng cũng không lôi cuốn được du khách.
Bao nhiêu công sức để khôi phục du lịch những tháng vừa qua của thành phố lại bắt đầu lại từ đầu. Trước Tết Nguyên đán, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ thậm chí lo ngại ngành Du lịch sẽ biến mất. “Với tình hình này, tôi sợ sẽ không còn ngành Du lịch nữa”, ông Kỳ nói. Nói thế, e là bi quan quá, có thể ngành Du lịch lúc dịch bệnh bùng phát này không thể phát triển mạnh mẽ được, có thể giậm chân tại chỗ, xấu hơn, có thể thụt lùi 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng mất thì chắc là không. Nhưng không phải chỉ mình ông Kỳ nghĩ thế, rất nhiều người cũng lo sợ như ông, cũng suy nghĩ như ông nhưng không dám nói ra hoặc không đành lòng nói ra. Vì họ, những người đến giờ phút này vẫn gắng gượng, kiên cường theo đuổi đam mê du lịch đều tin rằng, sẽ có một ngày du lịch sẽ trở lại như xưa.
Ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những điểm đến được đánh giá là an toàn, có nhiều tiềm năng đã đạt được kết quả khả quan. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố, lượng khách du lịch dịp Tết Nguyên đán giảm 80- 90% so với cùng kỳ thì Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ giảm 57,5%, giảm ít so với mặt bằng chung trong cả nước. Tổng lượt khách tham quan du lịch, giải trí, lưu trú tại các khách sạn, khu du lịch, bãi tắm trên địa bàn tỉnh này ước tính từ ngày 10-16.2 đạt khoảng 285.000 lượt; doanh thu đạt khoảng 201 tỉ đồng. Lượng khách tới Bà Rịa - Vũng Tàu trong dịp Tết chủ yếu là khách lẻ, khách gia đình. Ngoài tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn cũng làm giảm nhu cầu đi du lịch của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động. Sự dịch chuyển lao động ngành Du lịch khi một số lượng lớn lao động có chuyên môn cao trong ngành đã chuyển sang ngành nghề khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các khu nghỉ dưỡng và khách sạn thuộc phân khúc cao cấp năm nay khá thành công. Trong hai ngày 14,15.2 (tức ngày mùng 3 và 4 Tết) lượng khách du lịch đổ về tỉnh tăng dần, nhiều resort tuyến Long Hải đến Hồ Tràm công suất phòng đạt 80%”.
Chưa thể hồi phục sau đợt dịch hồi tháng 7.2020, Hội An (Quảng Nam), một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam trước khi có dịch vẫn tìm mọi cách để giữ gìn môi trường an toàn, phục vụ khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Tuy thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến Hội An chỉ đạt 1/3 so với mọi năm. Phần lớn là khách ở các tỉnh, thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… hoặc ở các địa phương trong tỉnh. Khách chủ yếu là các bạn trẻ, đi nhóm nhỏ, tập trung tham quan ở phố cổ Hội An trong ngày, ít khách lưu trú. Để thích ứng với tình hình mới, chính quyền và doanh nghiệp du lịch ở Hội An cố gắng chuyển hướng thị trường, tạo thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp để thu hút khách nội địa, đối tượng khách trẻ tuổi… Trong đó chú ý tạo thêm nhiều điểm check in mới trong khu phố cổ để phục vụ du khách có nhu cầu tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Chính quyền cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp du lịch tập trung các hoạt động trang trí cảnh quan tại các điểm đến, điểm di tích, hoạt động của các cơ sở tôn giáo, các ngày hội truyền thống phù hợp với du khách nội địa.
Những du khách trẻ ở Hội An ngày Tết Ảnh: KHÁNH CHI
Khách du lịch thận trọng
Hà Nội những ngày từ mùng 1-4 Tết Nguyên đán Tân Sửu trời nắng đẹp, đông nghịt người ở những địa điểm du xuân quen thuộc như: Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, Hoàng thành Thăng Long… tất nhiên tuân thủ quy định 5K để chủ động phòng chống dịch trong tình hình mới. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 10-16.2 (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) ngành Du lịch Thủ đô đã đón 122.000 lượt khách, đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đạt khoảng 18.500 lượt, đạt 40% so với năm 2020; vườn thú Hà Nội đón khoảng 12.300 lượt, đạt khoảng 86%; Hoàng thành Thăng Long đón khoảng 15.000 lượt, đạt 50%; Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 1.200 lượt, đạt 90%; Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 1.700 lượt, đạt 55%…
Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, các khu điểm du lịch của Hà Nội đều không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết hoặc giảm quy mô tổ chức theo kế hoạch, nhằm hạn chế tụ tập đông người. Trong quá trình đón tiếp khách, các điểm đến đã thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hà Nội thực hiện việc đóng cửa các quán ăn đường phố, quán cà phê, trà đá, di tích từ 0h ngày 16.2 (mùng 5 tháng Giêng) để phòng, chống dịch Covid-19, đường phố lại vắng lặng, khác hẳn vài ngày trước đó.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng trong dịp Tết Tân Sửu 2021 giảm 83% và có tới 80% số phòng khách sạn bị hủy. Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những ngày Tết Tân Sửu, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn chỉ đón khoảng 45.000 lượt du khách tham quan, bằng 13% lượng khách so với cùng kỳ năm 2020. Lượng khách lưu trú ước đạt khoảng 40.000 lượt, giảm 63%. Dịch Covid -19 bùng phát đúng vào thời điểm Tết khiến các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức, cá nhân đồng loạt hủy tour đã đặt trước đó. Theo đó, 80% số phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch đã bị khách hủy, gây thiệt hại khoảng 36 tỉ đồng. Tính đến ngày 17.2, tổng thiệt hại của ngành du lịch Lâm Đồng trong dịp Tết Tân Sửu ước tính khoảng 65,6 tỉ đồng.
Không đi du lịch tại chỗ như người dân nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, nhiều người dân Hà Nội sắp xếp kế hoạch du xuân, cùng gia đình, bạn bè lên các tỉnh vùng cao như: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn... Mùa này, những nơi ấy hoa đào, hoa mận, hoa lê, hoa cải đang nở rộ. Nắng ấm cùng với sự chủ động phòng, chống dịch của các địa phương và người dân đã tạo cảm giác an toàn cho du khách. Trở về từ Mộc Châu (Sơn La) sau kỳ nghỉ Tết, chị Lê Thị Minh Nhã (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Năm nay gia đình tôi không về nhà nội, nhà ngoại như mọi năm. Từ trước Tết cả gia đình 3 thế hệ ở Hà Nội vốn nhiều phép tắc, lần đầu tiên đón Tết xa nhà ở một nơi rất an toàn, rất đẹp. Mùng 4 Tết chúng tôi trở về Hà Nội để chuẩn bị cho việc đi học, đi làm”.
T.HÀ - H.HẢI - K.CHI - XUÂN HƯỚNG