Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Làm gì để đón đầu khách du lịch tàu biển?

Thứ Sáu 19/01/2018 | 09:14 GMT+7

VH- Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của du lịch tàu biển. Lượng khách hằng năm tăng với tốc độ cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vẫn còn thiếu và yếu để phục vụ lượng khách chi tiêu cao và khó tính này.

 Tàu 5 sao của hãng tàu biển Dream Cruise Line (Malaysia) cập cảng Nha Trang

Tăng trưởng mạnh

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bằng tàu biển đến năm 2020 trên thế giới có xu thế chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu - châu Mỹ - Địa Trung Hải, đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Du lịch đường biển đang là “mốt” của các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…, những khách này rất thích biển đảo của Việt Nam, họ chọn đường biển để vừa ngắm cảnh, vừa có thể hưởng thụ không khí trong lành, sạch sẽ môi trường biển của mình. Ngay ở Khánh Hòa, nếu như năm 2015 chỉ đón 49 chuyến tàu du lịch quốc tế với 53.000 khách, năm 2016 đón 54 chuyến với 93.800 khách, đến năm 2017, còn số đã lên 72 chuyến với 120.000 khách”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nói. Cũng theo bà Thanh, hiện nay khách quốc tế nhập cảnh bằng đường biển vào Việt Nam đang được áp dụng chính sách cấp thị thực với mức phí 5 USD/người, đồng thời thủ tục nhập cảnh được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi của du khách, cũng là yếu tố “hấp dẫn” cho những hãng tour chọn Việt Nam là điểm đến.

Ngoài các yếu tố kể trên, thì trong những năm gần đây nhiều cảng quốc tế được xây dựng, có thể đón những tàu hạng 5 sao. Có thể kể đến như cảng Chân Mây (Huế), cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)…, trong số này có những cảng có thể đón tàu trọng tải khoảng 200.000 tấn. “Cảng lớn là một lợi thế, cần cho việc đón khách. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xứng tầm là yếu tố đủ để những hãng du lịch lớn của thế giới khảo sát, chọn nơi dừng chân trong hành trình tour của họ. Họ chọn tour bao giờ cũng dựa trên tiêu chí hạ tầng, rồi mới đến điểm đến. Dọc bờ biển miền Trung hiện có gần 10 cảng có thể đáp ứng nhu cầu của những đơn vị tour khó tính nhất trên thế giới. Vì vậy, không lạ khi ngày càng có những con tàu hạng sang vào loại bậc nhất thế giới đến Việt Nam”, ông Phan Đình Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Cty TNHH Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Nha Trang nhìn nhận.

 Cần đa dạng mặt hàng lưu niệm, kết nối điểm đến để “níu chân” du khách tàu biển

Làm gì để “níu chân” khách?

Hiện nay, khách du lịch tàu biển đến Việt Nam vẫn thường tập trung vào một số tour tìm hiểu văn hóa đời sống, di tích chùa chiền. Nhiều nhà làm du lịch cho rằng, chính điều này khiến ngành du lịch phần nào “mất điểm” trong mắt du khách. Cảnh vừa đẹp, đa dạng, lại phải hấp dẫn thì nhiều địa phương chưa làm được, hoặc chưa chú trọng đầu tư.

“Một năm chúng tôi đón khoảng 21.000 khách bằng tàu biển. Vì đây là thị trường khách cao cấp nên họ đòi hỏi rất cao. Thực tế, khi đến Việt Nam họ hay than phiền đường phố quá đông đúc nên thời gian di chuyển lâu, một số điểm du lịch quá tải về lượng khách, thiếu các mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn địa phương. Ngoài ra, việc liên kết điểm đến, tạo ra các chuỗi tour chưa hợp lý cũng là hạn chế nếu muốn “níu chân” du khách. Nếu như các nước khác, bến cảng đồng thời là một trung tâm thương mại để khi khách xuống có thể mua sắm ngay, thì ở mình chưa nơi nào làm được điều này, rất phí”, ông Thảo phân tích.

Vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng hiện Sở Du lịch Khánh Hòa đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp quản lý hoạt động và kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại cảng Nha Trang. Trong đó, quy chế mới sẽ chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch bằng đường tàu biển quốc tế. Cụ thể, quy định các doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch tàu biển quốc tế phải cung cấp cho khách sử dụng phương tiện vận tải và dịch vụ tại các cửa hàng mua sắm đã được cấp bảng hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Còn ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo du lịch tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, cùng với các địa phương khác, Khánh Hòa đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến du lịch tại các thị trường ưa chuộng du lịch bằng tàu biển. “Đây là nhóm khách đầy tiềm năng, họ có mức chi tiêu thuộc “tốp” đầu. Vì vậy, ngoài đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ xúc tiến mở những tour tuyến, liên kết các đểm đến, đa dạng mặt hàng nhắm vào thị hiếu của khách để “níu chân”, cũng như tạo nên phát triển bền vững, lâu dài, chứ không ăn xổi như ta vẫn áp dụng xưa nay”, ông Hải khẳng định. 

Lê Xuân

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top