Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam

Thứ Tư 23/12/2020 | 17:31 GMT+7

VHO- Ngày 23.12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo chuyên đề Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam theo các chỉ số của WEF và phù hợp với bối cảnh mới.

Hội thảo Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam theo các chỉ số của WEF

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, du lịch, đại diện các bộ, ngành, địa phương, sở quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch.

Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam theo các chỉ số của WEF là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Quyết định số 283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng muốn nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

Chủ trì hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết: “Việc tìm giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch theo các chỉ số của WEF có ý nghĩa rất quan trọng, cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan cũng như sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn, Hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp khả thi, thiết thực, giúp Tổng cục Du lịch trong việc xây dựng Đề án sau này. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề chính: Du lịch và Lữ hành Việt Nam được đánh giá cao ở nhóm chỉ số nào, chỉ số nào thấp và giải pháp để nâng cao các chỉ số thấp, chỉ số thành phần. Tiếp cận phương pháp đánh giá, chấm điểm của WEF và cung cấp thông tin để các đánh giá được khách quan”.

Báo cáo năng lực cạnh tranh của WEF được thực hiện 2 năm 1 lần; đánh giá trên 130- 140 quốc gia. Theo báo cáo mới nhất (năm 2019), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, tăng 4 bậc so với xếp hạng năm 2017 (67/136), được chấm điểm theo 14 trụ cột, 90 nhóm chỉ số. Xếp hạng của WEF về năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2019 cho thấy, chỉ số cạnh tranh cao nhất mà Việt Nam đạt được là về giá (đứng thứ 22), tài nguyên văn hóa và công vụ (29), tài nguyên tự nhiên (35). Nhóm các chỉ số tăng hạng nhanh nhất là mức độ mở cửa quốc tế, cạnh tranh giá, hạ tầng hàng không; nhóm tụt hạng nhiều nhất là hạ tầng mặt đất và cảng, nhân lực và thị trường lao động; nhóm xếp hạng cạnh tranh thấp nhất vẫn là sự bền vững về môi trường (121), hạ tầng dịch vụ du lịch (106) và mức độ ưu tiên cho du lịch (100)…

TS Nguyễn Đình Cung nêu những giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch

Bà Đỗ Cẩm Thơ (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Du lịch) chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề tài cho biết: “Những năm qua Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Từ năm 2015- 2019 Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, nằm trong số 6 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng (năm 2019); hệ thống sản phẩm du lịch dần được hoàn thiện, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển liên tục; Việt Nam đạt nhiều giải thưởng quốc tế do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) bình chọn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, ngành Du lịch cần chủ trì, kết nối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cải thiện các nhóm chỉ số như Chỉ số mức độ ưu tiên về du lịch, các chỉ số liên quan ở từng lĩnh vực. Các địa phương cũng cần thực hiện cải thiện năng lực cạnh tranh tại địa phương với các chỉ số cụ thể, tiêu chí đánh giá và hướng dẫn”.

Việt Nam được đánh giá cao về tài nguyên tự nhiên

Cũng theo bà Đỗ Cẩm Thơ, ngành Du lịch cần chủ trì các giải pháp trước mắt như: đầu tư cải thiện quản lý điểm đến, tập trung cho công tác đào tạo, phát triển công nghệ, chuẩn bị các gói sản phẩm hấp dẫn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Đồng thời ngành cần đề xuất các ngành phối hợp thực hiện các giải pháp dài hạn như cải thiện nhóm chỉ số về môi trường, hạ tầng du lịch, ưu tiên cho du lịch, môi trường kinh doanh, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng mặt đất và cảng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đào tạo nhân lực, lao động ngành Du lịch…

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã làm rõ vai trò, vị trí của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân và các giải pháp đột phá giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam. Đại diện Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường phân tích Tình hình thực hiện các giải pháp và những vấn đề cần đề xuất để cải thiện nhóm chỉ số về môi trường bền vững gắn với các chỉ số năng lực cạnh tranh theo WEF.

Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ của Việt Nam được xếp hạng 35/140

Ths Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ mối quan hệ của các chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của WEF với các bộ chỉ số của các ngành, lĩnh vực liên quan được giao chủ trì và thực hiện giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành tương ứng. PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXHNV phân tích bối cảnh, các tác động của dịch bệnh Covid-19 và những ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu kinh nghiệm xây dựng, thực thi CPI và hướng tới xây dựng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về du lịch...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Sau hội thảo này, Tổng cục Du lịch tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch theo các chỉ số của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), báo cáo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ”.

THÚY HÀ; ảnh: VŨ AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top