Chuyện ly kỳ của một cán bộ làm hồ sơ giả như trong... phim

VHO- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An vừa nhận đơn thư phản ánh về một cán bộ ở Trung tâm VHTT & Truyền thông TP Vinh sử dụng bằng giả, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố ly kỳ. Nó như “phim ảo thuật” khi người làm hồ sơ giả là con gái thứ tư trong một gia đình 6 người con, chỉ tốt nghiệp THCS nhưng dùng bằng tốt nghiệp THPT của chị cả để dần thăng tiến.

Chuyện ly kỳ của một cán bộ làm hồ sơ giả như trong... phim - Anh 1

 Trụ sở nơi bà Thái Thị Nga (dư luận là Thái Thị Phương) làm việc

 Từ đó, người này phải xóa tên mình trong danh sách 6 anh em rồi “núp bóng” bằng tên của chị. Cũng từ người này làm hồ sơ giả nên buộc anh em phải khai man lý lịch theo hồ sơ giả để che mắt cơ quan chức năng.

Tóm tắt đường đi của bộ hồ sơ giả

Theo dư luận, nữ kế toán công tác tại Trung tâm VHTT & Truyền thông TP Vinh có tên thật là Thái Thị Phương (sinh năm 1977). Bà Phương là con gái thứ tư trong gia đình có 6 người con của ông bà Thái Đàm Nhiếp (82 tuổi) và Trần Thị Tứ (80 tuổi), trú tại thôn 10, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Bỗng dưng 11 năm nay (từ 1999) bà Thái Thị Phương đổi tên thành Thái Thị Nga, là tên chị cả trong gia đình.

Dư luận còn cho biết, bà Phương tốt nghiệp THCS năm 1992. Sau 7 năm ở nhà làm ruộng và xuống TP Vinh giúp việc trong gia đình người họ hàng. Năm 1999, bà Phương học Trường trung cấp Kinh tế Nghệ An, năm 2002 vào làm việc tại Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan và được kết nạp vào Đảng tại đây. Cuối năm 2009, bà Phương chuyển về Trung tâm VHTT TP Vinh. Tháng 5.2019 trung tâm này sáp nhập với Đài Phát thanh - Truyền hình TP Vinh thành Trung tâm VHTT & Truyền thông hiện nay. Qua đơn thư cũng cho thấy, lý do bà Phương sử dụng bằng THPT của chị cả là Thái Thị Nga (sinh năm 1970) là bởi bà Phương chỉ học hết THCS, nhưng để thi vào Trường trung cấp Kinh tế Nghệ An nên nghĩ ra cách sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của chị.

Gian nan điều tra

Vào cuộc xác minh, chúng tôi tìm về thôn 10, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương những ba lần để tìm gặp cán bộ của xã này, nhưng đều thất vọng vì không ai biết cụ thể gia đình ông Nhiếp và bà Tứ có mấy người con. Mãi đến khi gặp được một số cơ quan cấp huyện thực sự quan tâm vụ việc mới có thể tìm ra manh mối của sự ly kỳ này.

Tại thôn 10, chúng tôi gặp cụ Tứ là mẹ của bà Phương. Khi nghe chúng tôi hỏi gia đình có mấy người con, cụ Tứ đọc tên 6 người con như sau: “Ngà (khi nhỏ gọi là Nga, giờ gọi là Ngà, cụ Tứ giải thích); Trung; Nga; Hậu; Đức và Sáu”. Do không thấy tên con gái thứ 4 là Phương như dư luận phản ánh, chúng tôi hỏi bà có con gái tên là Phương không. Bà Tứ nhìn ra mảnh vườn trước cửa nhà, thản nhiên nói đúng một từ: “Không”. Tại Trường THCS Tôn Quang Phiệt, thuộc thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, chúng tôi tiếp cận “Lý lịch của người xin vào Đảng” của nữ giáo viên Thái Thị Hồng Sáu (con thứ 6 của cụ Tứ, em gái của bà Phương). Tờ khai anh em trong gia đình, chỉ thấy 5 người, gồm: Thái Thị Nga (1973); Thái Doãn Trung (1975); Thái Doãn Hậu (1977); Thái Doãn Đức (1980); Thái Thị Hồng Sáu (1984). Tuyệt nhiên không có chị gái tên là Ngà như cụ Tứ nói và không có cả tên chị gái Thái Thị Phương như dư luận phản ánh. Liên hệ quan điện thoại, chúng tôi hỏi cô Sáu: “Cô có chị gái tên là Phương không, vì sao trong lý lịch không có tên chị Phương như dư luận”. Cô Sáu nói rằng, “do không nhớ khai trong lý lịch như thế nào”.

Tại Công an huyện Thanh Chương, thượng tá Trịnh Thanh Long, Phó trưởng Công an huyện (phụ trách công tác quản lý, hành chính) cho biết, một danh sách gồm 6 người con của ông Nhiếp và bà Tứ khác hẳn với những lời khai, bản khai trên: “Hộ gia đình ông Thái Đàm Nhiếp, bà Trần Thị Tứ, thường trú tại thôn 10, xã Thanh Thịnh có 6 người con. Cụ thể: Thái Thị Nga, sinh năm 1970 (tra cứu không tìm thấy số CMTND); Thái Đàm Trung, sinh năm 1972, số CMTND 182050935; Thái Đàm Hậu, sinh năm 1974, số CMTND 182033020; Thái Thị Phương, sinh năm 1977 (tra cứu không tìm thấy số CMTND); Thái Đàm Đức, sinh năm 1980, số CMTND 182442243; Thái Thị Sáu, sinh năm 1984 (tra cứu không tìm thấy số CMTND)”. Như vậy, trong danh sách của Công an điều tra không có ai tên Ngà như cụ Tứ nói nhưng lại có tên Phương mà cụ Tứ nói “không” có và cô Sáu cũng không khai trong lý lịch hai cái tên này.

Riêng về việc xác định việc học của bà Phương, thượng tá Long nói: “Qua xác minh tại Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, có tên thí sinh Thái Thị Phương, sinh năm 1977, tốt nghiệp THCS, loại trung bình”. Vậy là chúng tôi có kết quả nội dung thứ nhất là gia đình ông Nhiếp và bà Tứ có cô con gái Thái Thị Phương, sinh năm 1977. Vậy bà Phương hiện ở đâu? Có phải đang làm kế toán trưởng tại Trung tâm VHTT & Truyền thông TP Vinh như đơn thư phản ảnh không?

Chuyện ly kỳ của một cán bộ làm hồ sơ giả như trong... phim - Anh 2

 CMTND bà Thái Thị Nga (dư luận là Thái Thị Phương) đang sử dụng, giống nhau về ảnh, vân tay, nguyên quán, nhưng khác về tên, ngày tháng năm sinh so với CMTND mang tên Thái Thị Phương trước đây

“Tôi không biết”

Cơ quan cuối cùng buộc chúng tôi phải tiếp cận bằng được là Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an Nghệ An để tìm hiểu, đối chiếu CMTND của Thái Thị Nga (chị cả) và Thái Thị Nga (giả) và Thái Thị Phương trước đây để làm rõ dư luận cho rằng CMTND của bà Thái Thị Phương dùng tên của bà Thái Thị Nga.

Cán bộ Phòng hồ sơ về CMTND PC06 cho biết: “Có ba tờ khai CMTND, gồm: Tờ khai số 181557630 (tạm gọi là tờ khai số 1) của Thái Thị Nga, sinh ngày 10.5.1971. Tờ khai CMTND số 182442343 (số 2) của Thái Thị Nga, sinh ngày 10.5.1973. Tờ khai CMTND số 182050921 (số 3) của Thái Thị Phương, sinh ngày 30.12.1976. Đối chiếu ba tờ khai này, thấy: Tờ khai số 1 và số 2 cùng tên Thái Thị Nga giống nhau về họ, tên; ngày, tháng sinh, nguyên quán, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tên cha mẹ nhưng khác về năm sinh, ảnh, vân tay. Tờ khai số 2 họ tên Thái Thị Nga, sinh ngày 10.5.1973 và tờ khai số 3 họ tên Thái Thị Phương, sinh ngày 30.12.1976 giống nhau về ảnh, vân tay, nguyên quán, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, họ tên cha mẹ nhưng khác nhau về tên và ngày tháng năm sinh”. Như vậy, tờ khai số 1 của bà Thái Thị Nga là thật. Tờ khai số 2 của Thái Thị Nga là không thật. Tờ khai này có thể do bà Phương dùng tên của bà Thái Thị Nga để hợp thức hóa tên trên bằng tốt nghiệp THPT (tại Sở GD&ĐT Nghệ An có tên thí sinh Thái Thị Nga, tốt nghiệp THPT, khóa 1985-1988).

Lý do thứ hai để nhận định bà Phương dùng tên của chị để làm CMTND là khi đối chiếu tờ khai số 2 và 3 thấy hai tờ khai này giống nhau về ảnh, vân tay, nguyên quán, tên cha mẹ nhưng khác nhau về tên và năm sinh. Bởi tờ khai số 3 bà Phương làm khi đang ở nhà. Còn tờ khai số 2 và là CMTND hiện nay bà Phương sử dụng bằng tên Thái Thị Nga, làm 2005. Tại Trung tâm VHTT & Truyền thông TP Vinh, chúng tôi khá vất vả mới tiếp xúc được với nữ kế toán trưởng mang tên Nga nhưng tên thật được cho là Phương. Câu đầu tiên chúng tôi đưa ra là: “Chị tên Phương hay là Nga”. Nữ kế toán trả lời: “Tôi tên Nga”. Nữ kế toán công nhận là con gái của bố Thái Đàm Nhiếp và mẹ Trần Thị Tứ nhưng không phải con thứ tư, cũng không phải con gái đầu mà là con gái thứ ba.

Nữ kế toán nói: “Thái Thị Ngà (sinh 1970) nay gọi là Thái Thị Nga. Tôi là con gái thứ ba, cũng có tên là Thái Thị Nga, sinh 1973”. Chúng tôi hỏi vì sao trong 6 người con lại có hai con gái trùng tên nhau như vậy. Vì sao, bà chị cả tên Ngà (Nga) sinh 1970, bà sinh thứ ba, năm 1973. Thế 3 năm sinh ba người con sao. Nữ kế toán nói: “Tôi không biết”. 

 Sẽ xử lý nghiêm

Hiện Thành ủy Vinh đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy lập đoàn xác minh dư luận phản ảnh về vụ việc làm hồ sơ giả của nữ kế toán trưởng tại Trung tâm VHTT & Truyền thông TP Vinh. Trách nhiệm nhân sự thuộc Phòng Nội vụ của UBND TP Vinh. Riêng việc Đảng thuộc trách nhiệm của Thành ủy. Khi có kết quả xác minh, nếu đúng như dư luận phản ánh, chúng tôi sẽ kỷ luật nghiêm theo quy định của pháp luật.

(Bà NGÔ THỊ HƯỜNG, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vinh)

 

 VŨ TOÀN

Ý kiến bạn đọc