Di tích Hà Nội nỗ lực kích cầu du lịch
VHO- Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tập trung nâng cao chất lượng các điểm tham quan, di tích nhằm thu hút du khách nội địa, phù hợp với bối cảnh hiện nay, các di tích trọng điểm trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua đã tích cực đổi mới, đưa đến người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị, những sản phẩm chưa từng có.
Quầy Thông tin của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong chương trình Quảng bá điểm đến văn hóa – du lịch Hà Nội năm 2020
Sau những ngày trầm lắng vì đại dịch và những xoay xở vượt khó ban đầu, đến nay, có thể nhận thấy rõ nét một diện mạo tươi tắn của từng di tích trong hành trình phục hồi sau đại dịch.
Di tích đến gần hơn với công chúng
Nằm trong chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020”, các di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội đã đưa đến người dân và du khách những trải nghiệm, hoạt động thú vị, giới thiệu những gói tham quan kích cầu du lịch hấp dẫn. Bên Hồ Gươm, những ngày này phố đi bộ tấp nập trở lại, các di tích lớn của Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò đã tích cực triển khai các hoạt động giới thiệu về di tích nhằm thu hút du khách.
Tại quầy thông tin và trải nghiệm của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đặt tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, trước tượng đài Lý Thái Tổ, du khách có cơ hội để tìm hiểu những thông tin, hình ảnh về di tích quốc gia đặc biệt này và tham gia một số hoạt động trải nghiệm thú vị, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, khoa học tại di tích như: giáo dục di sản, khuyến học, triển lãm, hội thảo, kết nối dòng họ, các cuộc thi tìm hiểu về di sản… Cũng tại đây, du khách có cơ hội tự tay in và mang về những bức tranh hoa văn cổ trên bia tiến sĩ với ý nghĩa tốt lành như: Lộ lộ liên hoa (đăng khoa liên tiếp); Chim hoàng tước đậu trên cành cúc (gia đình hạnh phúc); Hồi văn (phúc, lộc, vinh hoa, phú quý); Chim khách đậu cành mai (Hoa mai khoe nhị báo điềm tốt, chim khách trên cây báo điềm lành)… Các bạn nhỏ được tham gia hoạt động tô màu các linh vật trên công trình kiến trúc cổ tại Văn Miếu, đồng thời tìm hiểu cách trò chuyện với các linh vật qua phần mềm… Đặc biệt, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mang đến những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích để giới thiệu tới du khách. Tất cả các sản phẩm đều được thiết kế với những hình ảnh, hoa văn, hoạ tiết gắn liền với khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những sản phẩm lưu niệm ưu tiên sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có sẵn trong tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Những chất liệu vốn quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam như tre, gỗ, vải, gốm sứ… không chỉ thể hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên mà còn hòa nhập với những xu hướng tiêu dùng mới, hướng tới bảo vệ môi trường đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng là một trong những địa chỉ tích cực “biến khó khăn thành hành động” nhiều nhất trong những ngày sau khi dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát. Tại quầy thông tin của di tích đặt trên phố đi bộ trong chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020”, du khách được nghe giới thiệu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, các hoạt động đang được đơn vị tổ chức thực hiện. Theo đó, trong thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 12.2020, di tích đã và sẽ tiếp tục áp dụng các gói khuyến mãi, combo hấp dẫn dành cho mọi đối tượng khách tham quan; giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của di tích. Đặc biệt, để giúp du khách tiếp cận thật gần với di tích trong khoảng thời gian ngắn, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò chiếu hai bộ phim ngắn giới thiệu về điểm đến này. Du khách cũng được trải nghiệm, chụp ảnh với trang phục quần áo người tù của “Ngôi nhà Trung ương”.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò được quảng bá trên phố đi bộ Hồ Gươm
Trước đó, những ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách nội địa với trưng bày “Khát vọng tự do”. Theo BQL di tích, trong những ngày đầu tiên này, di tích Nhà tù Hỏa Lò “tăng nhiệt” khi nhiều đoàn khách tham quan, thực tập đã lựa chọn khám phá điểm di tích và cuộc trưng bày về ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng nơi địa ngục trần gian. Đại diện Đoàn Thanh niên phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) chia sẻ, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, Đoàn phường đã lựa chọn tổ chức tham quan tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, các đoàn viên thanh niên đã được tìm hiểu về lịch sử và những câu chuyện đấu tranh của các chiến sĩ trong nhà lao hà khắc. Đặc biệt, ở không gian trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do”, những câu chuyện về các cuộc vượt ngục thần kỳ đã mang đến thật nhiều cảm xúc cho các bạn trẻ. “Có những câu chuyện chúng tôi từng biết và cũng có những câu chuyện chúng tôi chưa từng được tiếp cận. Bởi vậy, hoạt động khám phá này thực sự đã mở ra rất nhiều điều bí mật và thu hút…”, đại diện thanh niên Đoàn phường Ngọc Thụy bộc bạch.
Thổi luồng gió mới
Ông Đặng Văn Biểu, Phó trưởng BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Với mong muốn đưa di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành một điểm đến không thể bỏ qua, trong thời gian hưởng ứng chương trình lễ hội do thành phố tổ chức, Ban Quản lý di tích đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị thực hiện rất chi tiết. Những hoạt động hấp dẫn, những hình ảnh sống động và những sản phẩm đặc trưng của di tích đều được đưa ra để giới thiệu đến du khách. Đặc biệt, thời điểm tham dự lễ hội này cũng chính là thời điểm đơn vị tổ chức khai trương một hoạt động tham quan, trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn với tên gọi “Đêm thiêng liêng- Sáng ngời tinh thần Việt”. Hy vọng bằng nhiều hình thức hoạt động, nhiều cách tiếp cận công chúng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ được đặt trong lộ trình tham quan của không chỉ người dân Thủ đô mà còn với đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế trong thời gian tới”.
Trong những nỗ lực làm mới các hoạt động, trải nghiệm về đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò: “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” được giới chuyên gia văn hóa, lịch sử và du lịch nhận định đã mang đến nhiều bất ngờ và cuốn hút. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Trong không gian của di tích Nhà tù Hỏa Lò vào buổi tối với sự tĩnh lặng, hành trình trải nghiệm vào buổi tối dù chỉ diễn ra trong 45 phút nhưng đã đưa du khách đi qua những cung bậc khác nhau, như có cảm giác được hòa mình vào không khí ngột ngạt trong cuộc sống của những người tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò năm xưa. Đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa, đưa du khách quay ngược thời gian để cảm nhận chân thật nhất những mất mát, hy sinh của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” là hoạt động hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương của Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội về quảng bá điểm đến lịch sử, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Hành trình tham quan đưa du khách trở về không gian thiêng liêng, về miền ký ức với sự lắng đọng và cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh, gian khổ mà ngời sáng về tinh thần kiên trung, bất khuất của bao thế hệ cha anh. Để cảm thấy trân quý hơn giá trị tự do mà hôm nay chúng ta được hưởng.
Nắng nóng của những ngày hè, lại là những ngày mà đại dịch Covid-19 chưa thực sự qua đi đã không khiến cho những di tích trọng điểm trên địa bàn Thủ đô tiếp tục vắng vẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng tại thời điểm khách nước ngoài gần như không có và các di tích bằng những giải pháp tích cực nhất đã nỗ lực “biến khó khăn thành hành động”. Nắm bắt thực tiễn về nhu cầu khám phá lịch sử qua những trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề tại mỗi di tích, lộ trình thực hiện các chuyên đề tiếp theo với mục tiêu lôi cuốn, hấp dẫn người xem, đưa vào những luồng gió mới, ấn tượng đã và đang được hệ thống các di tích trọng điểm trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tích cực triển khai.
MINH NGỌC