Nên thu hút nhân lực lao động du lịch người nước ngoài có trình độ cao

VHO- Tại các diễn đàn trong nước và hội thảo quốc tế diễn ra thời gian vừa qua đã đề cập nhiều đến thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu và yếu” trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Nhất là dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi người lao động phải hội tụ nhiều kỹ năng.

Nên thu hút nhân lực lao động du lịch người nước ngoài có trình độ cao - Anh 1

 Cần có giải pháp “đột phá” cho nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Bên cạnh vốn ngoại ngữ và công nghệ, nhân lực ngành du lịch còn đòi hỏi những đặc thù riêng về tính chuyên nghiệp, sự thân thiện trong phong cách phục vụ, giao tiếp, văn hóa ứng xử… Vì thế, cần có những giải pháp “đột phá” trong phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch.

90% khách quốc tế đến Việt Nam qua tra cứu Internet

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nước ta xếp thứ 17 trong số các quốc gia có mức phổ cập Internet cao của thế giới, và có tới 90% du khách quốc tế đến Việt Nam thông qua tra cứu Internet. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh trực tuyến, số hóa kết nối và chia sẻ thông tin… đang trở thành nhiệm vụ tất yếu mà ngành du lịch cần vận dụng, không thể bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế trụ cột của ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân.

Báo cáo của Google and Temasek Holding (Singapore), thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam dự kiến sẽ cán mốc 9 tỉ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép đạt 15% mỗi năm. Tuy nhiên, doanh thu của các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) ở nước ta vẫn còn khiêm tốn. Muốn vực dậy thị trường du lịch tiềm năng này, vốn ngoại ngữ và công nghệ thông tin được coi là chìa khóa để người lao động hội nhập vào sân chơi nói trên. Song đây lại là điểm yếu của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Chưa đp ứng được yêu cầu

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tiếng Trung chỉ 5%, tiếng Pháp 4%... Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ đạt 15%, nhưng tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. Về trình độ công nghệ thông tin, khoảng hơn 60% lao động biết sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn giản. Tiến sĩ Trần Văn Thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (TP.HCM) cho rằng, thực tế này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch ở giai đoạn mới.

Khảo sát kinh nghiệm của quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến sĩ Thông nhận định, nếu thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu trên thì không khó để có giải pháp đột phá nâng chất nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, mô hình liên kết đào tạo nhà trường – doanh nghiệp – Nhà nước – hiệp hội trước mắt có thể xem lại giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam nên tham khảo các mô hình tiến bộ của ngành du lịch Singapore, từ năm 1965 đến nay, “đảo quốc sư tử” đã xây dựng và thực hiện thành công 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu của Saigontourist chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, đây cũng là vốn và tài sản quý nhất của Saigontourist. Ông Tài chia sẻ, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết phải nói đến việc xây dựng các tiêu chuẩn từ chức danh lãnh đạo cấp trung đến quản lý cấp cao. Cụ thể như giám đốc khách sạn 5 sao phải có khả năng tổ chức quản lý điều hành hệ thống kinh doanh của khách sạn 5 sao, có khả năng tuyển dụng, quản lý nhân sự của khách sạn, xây dựng được các kế hoạch Marketing, chăm sóc khách hàng, kinh doanh, có khả năng phân tích, dự báo tình hình rủi ro, khủng hoảng thị trường… Đặc biệt Saigontourist còn xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý ba tháng tại Việt Nam – ba tháng ở nước ngoài. Ngoài ra còn xây dựng chương trình đào tạo quản lý cấp cao tại các nước tiên tiến, có ngành du lịch phát triển.

Theo Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Xuân Hậu, Trường Đại học Văn Hiến, trước thực trạng nhân lực du lịch trong nước vừa thiếu và yếu, công tác đào tạo còn nhiều bất cập, nên triển khai chính sách thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ nước ngoài, nhất là lao động người Việt được đào tạo ở nước ngoài muốn trở về phục vụ quê hương, lao động lành nghề làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, xúc tiến quảng bá, thiết kế điều hành tour… Các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát yêu cầu thực tế phát triển của ngành. Trong đó chú trọng đến các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm… 

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc