Hà Giang xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch
VHO- Tỉnh Hà Giang vừa tổ chức hội thảo Liên kết vùng trong chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tỉnh Hà Giang và các tỉnh Đông - Tây Bắc với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, du lịch, văn hóa, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Hẻm Tu Sản ở Mèo Vạc
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: “Mục đích tại hội thảo là phối hợp với các tỉnh trong 2 chuỗi liên kết vùng Đông- Tây Bắc đề xuất các chính sách, dự án, định hướng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ vùng, hướng tới hình thành các chuỗi du lịch dịch vụ được liên kết chặt chẽ, thống nhất về sản phẩm, sự kiện, tour, tuyến… Đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế và các chính sách thu hút đầu tư du lịch của Hà Giang để kết nối các doanh nghiệp du lịch trong, ngoài nước, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp. Các đơn vị đầu tư du lịch trên địa bàn cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Hà Giang, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang”.
Theo các chuyên gia, nếu khai thác tốt du lịch sinh thái ở Hà Giang sẽ tạo cơ hội lớn để phát huy tiềm năng của tỉnh, giải quyết một cách hiệu quả không chỉ tình trạng nghèo lâu trong các dân tộc thiểu số mà còn tăng thu nhập và góp phần đưa tỉnh trở thành địa phương hàng đầu phát triển du lịch sinh thái. Các điểm tham quan nổi tiếng như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng bên dòng sông Nho Quế, Khu du lịch núi đôi Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, quần thể ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… không chỉ có tiềm năng du lịch lớn mà còn là những kỳ quan thiên nhiên hoặc những điểm đến hấp dẫn. Tỉnh Hà Giang cũng có nhiều dân tộc thiểu số, văn hóa đa dạng và vô cùng phong phú, có thể đóng góp cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Thực tế ở Hà Giang cho thấy, sau khi được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO năm 2010 - Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành “đòn bẩy” phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, cũng giống như ở những nơi khác, phát triển du lịch ở Hà Giang cũng gặp phải những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ảnh hưởng của phát triển tới môi trường thiên nhiên và văn hóa ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Bên cạnh việc du lịch phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đóng góp nguồn lực quan trọng cho yêu cầu bảo tồn cảnh quan sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống; tạo sinh kế bền vũng cho người dân, tăng thu nhập cho đồng bào, ở chiều ngược lại, du lịch cũng tạo ra những áp lực và tác động tiêu cực đến môi trường, quỹ đất, hệ sinh thái, suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc cộng đồng địa phương, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân…
Theo ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Giang cần phải tập trung trước hết vào việc giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của môi trường sinh thái- nhân văn, phát triển bền vững như một nhân tố quan trọng quyết định sự sống còn của nhân loại.
THUÝ HÀ