Hãy để khách đến vì vòng tay chào đón

VHO- Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) mà Quốc hội đang thảo luận, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cho rằng có một số nội dung chưa thực sự tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng.

Hãy để khách đến vì vòng tay chào đón - Anh 1

Chính sách visa cởi mở sẽ góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

 Cộng đồng doanh nghiệp đồng tình và ủng hộ việc Bộ Công an, cơ quan xây dựng dự án Luật số 47 sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định “người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”; luật hóa việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…

36% có nhu cầu lưu trú hơn 30 ngày

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã gửi bản kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong đó, Ban IV và TAB đã đề xuất cần xác định rõ 1 trang web chính thức cho dịch vụ thị thực điện tử (e- visa), vì thế Khoản 11a, Điều 3 của Luật này nên sửa là “Thị thực điện tử và thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cấp qua giao dịch điện tử tại một Trang thông tin chính thức cấp thị thực điện tử”.

Trong quãng thời gian từ 15.1- 1.3.2019, TAB đã tiến hành một cuộc khảo sát về việc thực hiện chính sách thị thực đối với 130 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, 35 khách du lịch tiềm năng và 23 tổ chức (gồm các công ty lữ hành, các đại lý du lịch, các nhà cung cấp thị thực trực tuyến, khách sạn và hãng hàng không) cho thấy loại thị thực trong nhóm khảo sát miễn visa chỉ 8%, e- visa 16,8%, visa cửa khẩu 42,4% và visa lấy tại Đại sứ quán là 32,8%. Thời gian làm thị thực dưới 3 ngày (26,6%), từ 3-5 ngày (33,9%), từ 6-14 ngày (29%) và trên 14 ngày (10,5%). Phí thị thực của Việt Nam đang áp dụng là 25 USD/ người nhưng qua khảo sát, chỉ 18,3% mất phí dưới 30 USD/ người, 26,1% chịu phí 31- 50 USD/ người, 28,7% chịu phí 51-90 USD/ người và có tới 27% chịu phí trên 90 USD/ người... Có nghĩa là, phần lớn du khách mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để làm được visa vào Việt Nam chứ không phải như quy định.

Số ngày lưu trú ở Việt Nam của khách được khảo sát cho thấy nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam rất lớn: Ít hơn 5 ngày chỉ chiếm 15%, 6-15 ngày có 19%, 16-30 ngày chiếm 30% và hơn 30 ngày chiếm 36%. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách miễn thị thực đơn phương cho các thị trường du lịch trọng điểm nếu chỉ miễn 15 ngày sẽ không khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam.

Nếu không cởi mở sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu

Ông Nguyễn Hải, Giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn Viễn Á, chuyên đón khách Pháp và châu Âu cho rằng: Việc miễn visa đơn phương cho khách du lịch ở các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm trong đó có Pháp và các nước châu Âu, những khách thị trường xa, lưu trú dài ngày, chi phí cao chỉ có 15 ngày thì không miễn còn hơn. Vì việc miễn trong 15 ngày có thể làm tăng khách nhưng lại giảm ngày lưu trú của khách. Có rất nhiều khách khi biết visa chỉ được miễn có 15 ngày thì họ thay đổi, không đến Việt Nam nữa mà chọn các điểm đến khác khu vực Đông Nam Á, những nơi được miễn visa từ 30 - 90 ngày”. Ông Nguyễn Hải đề xuất, nếu miễn visa cho các thị trường xa, thị trường trọng điểm thì nên miễn 30 ngày trở lên, nếu không thì không miễn mà đơn giản hóa cao nhất các thủ tục và thu đúng phí visa theo quy định để tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty du lịch JTB- TNT cho rằng mục đích của các quốc gia trên thế giới khi đặt ra visa là để kiểm soát người từ quốc gia khác vào nước mình, đảm bảo bảo rằng chỉ những người “được hoan nghênh” mới được phép nhập cảnh và có thể từ chối cho nhập cảnh những đối tượng có dấu hiệu vi phạm hoặc hộ chiếu có vấn đề. Với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội hiện nay, việc phân biệt giữa visa du lịch và visa thương mại (trừ loại visa nhập cảnh nhiều lần với thời gian dài) hầu như không có ý nghĩa và tác dụng. Do đó thay đổi chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch sẽ không chỉ có lợi cho ngành Du lịch mà còn tạo điều kiện tốt cho phát triển thương mại của Việt Nam với các nước. Ông Nguyễn Văn Tấn cũng cho rằng, lệ phí visa theo thông lệ quốc tế, là nguồn thu dùng để trang trải các chi phí hành chính phục vụ cho việc cấp visa (thủ tục giấy tờ, nhân sự, kiểm tra – xác minh…) chứ không phải là một nguồn thu như thuế hoặc kinh doanh cho ngân sách Nhà nước, do vậy không nên quá đề cao nguồn thu từ phí visa mà đưa ra những chính sách bất lợi cho ngành Du lịch nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Vì thế, để thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, thể hiện sự chào đón của Việt Nam với du khách nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ những thị trường trọng điểm, cần tiếp tục chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước phát triển; các nước có quan hệ chính trị - kinh tế tốt với Việt Nam; các nước mà việc đến Việt Nam của công dân nước đó không tiềm ẩn nhiều các vi phạm về an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, tội phạm kinh tế, dịch bệnh.

Và phải thẳng thắn nhìn nhận, nếu không có chính sách thị thực cởi mở như thời gian qua, Việt Nam khó mà đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao, đạt 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2015, 15,6 triệu lượt năm 2018, tăng trưởng giai đoạn này đạt đến 25% như vậy. 

THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc