Lượng khách quốc tế đến Việt Nam: Có thể về đích trước 1 năm…

VHO- Ngày 9.7, đúng ngày kỷ niệm 59 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức họp báo tại Hà Nội thông tin về tình hình hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2019; Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019; công bố Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2018.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam: Có thể về đích trước 1 năm… - Anh 1

Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu chủ trì họp báo.

Xu hướng người Thái Lan đi du lịch Việt Nam

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 8,5 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Điểm đáng chú ý là có một số thị trường lượng khách tăng rất cao, như Thái Lan tăng tới 45,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 245.000 lượt người, nằm trong top 10 thị trường gửi khách tới Việt Nam đông nhất.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (TCDL), ngay khi có thông tin này, Trưởng đại diện TCDL Thái Lan tại Việt Nam đã gửi tin nhắn tới ông, qua đó chúc mừng ngành Du lịch Việt Nam vì đã đạt được mức tăng trưởng cao như vậy từ thị trường Thái Lan. Dường như đang có một “làn sóng” người Thái Lan đi du lịch Việt Nam. Và ông Đức cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường này cùng những thị trường ASEAN đang nổi khác như Philippines, Indonesia; tận dụng lợi thế để khai thác những thị trường gần, nội khối được miễn visa. Đồng thời, từng bước cân bằng trao đổi khách giữa Việt Nam và Thái Lan vì năm 2018 Việt Nam mới chỉ thu hút được khoảng 350 nghìn lượt khách Thái Lan trong khi đó khách từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 1 triệu lượt.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 6 tháng qua của Du lịch Việt Nam không cao như mức tăng 20% của năm 2018, nhưng ngành Du lịch vẫn quyết tâm đạt được 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế. Và nếu đạt được con số này cũng có nghĩa ngành Du lịch Việt Nam sẽ về đích trước 1 năm so với mục tiêu đón 17- 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 đã đề ra tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Liên quan đến Lễ Vinh danh và trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra ngày 15.7 tại Hà Nội, Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, ngoài các hạng mục giải thưởng trao cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, khu du lịch, điểm dừng chân, sân golf… tốt nhất Việt Nam, đây là năm đầu tiên ngành Du lịch tôn vinh 5 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiêu biểu của Việt Nam và 5 đơn vị truyền thông có nhiều đóng góp cho ngành Du lịch. Những điểm mới này của Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm nay đã thể hiện sự quan tâm của ngành Du lịch đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành về nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Đồng thời, Giải thưởng lần này cũng ghi nhận vai trò của các đơn vị truyền thông đối với hành trình lớn mạnh và trưởng thành của ngành Du lịch.

Du lịch Việt Nam tăng trưởng cao gấp đôi mức tăng chung của thế giới

Theo Báo cáo Du lịch thường niên 2018 mà TDCL công bố, tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành Du lịch Việt Nam năm 2019 tăng 6,5- 8,5% so với năm 2018, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của thế giới là 3-4% (theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới) và cao hơn mức tăng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương là 5-6%. Tổng thu từ khách du lịch của nước ta cũng được dự báo tăng 10- 12% so với năm 2018, đạt 700 nghìn tỷ đồng.

TCDL cũng nhận định, mức tăng khách du lịch cao liên tục trong 3 năm qua, từ 7,9 triệu khách quốc tế năm 2015 lên 15,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 đã khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch bị quá tải vào một số thời điểm, nhất là dịp lễ tết, mùa cao điểm khách quốc tế và nội địa. Khách du lịch tập trung quá đông tại một số điểm gây ra tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn, không đảm bảo chất lượng dịch vụ; kiểm soát giá cả không chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, những xung lực tạo ra dư địa phát triển mới đang hình thành tại các địa bàn trọng điểm và các điểm đến phụ cận, có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với yêu cầu phát triển.

Chính sách, hoạt động quản lý du lịch, xúc tiến du lịch của Việt Nam còn chưa thực sự linh hoạt, hiệu quả, tính kết nối đồng bộ chưa cao. Chính vì thế, 6 tháng cuối năm 2019, ngành Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút khách quốc tế đến; cải thiện môi trường kinh doanh du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điểm đến; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cụ thể là nâng vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của WEF từ 7 đến 9 bậc. 

THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc