Nỗ lực “làm mới” nông thôn bằng du lịch

VHO- “Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phải thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới. Đồng thời phát huy lợi thế của đất nước nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính đặc trưng…”.

Nỗ lực “làm mới” nông thôn bằng du lịch - Anh 1

 Phát triển du lịch nông thôn góp phần phát huy giá trị văn hoá truyền thống

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo điều này tại buổi làm việc mới đây với TCDL về Đề án trên. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Lê Quang Tùng.

Du lịch nông thôn có tính đặc trưng khác biệt

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, trong những năm qua du lịch nông thôn đã từng bước phát triển, hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn trải dọc từ Bắc tới Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, giải trí, học tập… của khách du lịch. Qua đó đem lại doanh thu và lợi nhuận cho các nhà đầu tư; việc làm, thu nhập cho người dân ở nhiều vùng khó khăn ít có cơ hội phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp...

Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động du lịch nông thôn phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ, đơn điệu và trùng lặp giữa các địa phương, hiệu quả khai thác du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng khách du lịch đến khu vực nông thôn chủ yếu là khách tham quan trong ngày, thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu ít. Việc khai thác tài nguyên du lịch nông thôn thành sản phẩm du lịch gặp khó khăn do điểm đến chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng, chất lượng sản phẩm không ổn định, môi trường nông thôn ô nhiễm, tiếp cận và kết nối điểm đến khó khăn.

Doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô, chất lượng cao có tính chất dẫn dắt cho du lịch nông thôn một số vùng trọng điểm chưa nhiều. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa hiệu quả. Đề án nêu rõ, để phát triển du lịch nông thôn hiệu quả, có tính đột phá, góp phần đạt được mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có định hướng, quy hoạch chọn lọc và có cơ chế chính sách phù hợp. Trong đó các địa phương phải sử dụng lồng ghép các nguồn lực, khai thác chuỗi giá trị của khu vực nông thôn, thu hút đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch có tính đặc trưng khác biệt, hấp dẫn du khách, hình thành các cơ sở kinh tế du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cũng đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn trong giai đoạn tới. Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, từ đó khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc để khu vực nông thôn trở thành các điểm đến du lịch chất lượng, hấp dẫn khách du lịch.

Đồng thời, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, cộng đồng địa phương trong đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại nông thôn; tạo việc làm, nguồn sinh kế ổn định, tăng thu nhập cho người dân nông thôn thông qua du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ môi trường cảnh quan, phát triển nông thôn mới bền vững.

Một quan điểm nữa được thể hiện rõ trong Đề án này là Nhà nước định hướng, ban hành cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ du lịch nông thôn có bước phát triển đột phá.

Dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế xã nông thôn mới chiếm 15-20%

Đề án đặt mục tiêu: Tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào GDP khu vực nông thôn.

Tăng cường liên kết ngành Du lịch và Nông nghiệp, hình thành chuỗi dịch vụ du lịch có giá trị gia tăng cao, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy lợi thế của khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố có tối thiểu 3- 5 xã nông thôn mới đáp ứng tiêu chí phát triển du lịch; đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch; có các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng; đảm bảo chất lượng dịch vụ đón và phục vụ khách du lịch; tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Chú trọng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn bao gồm: trải nghiệm văn hóa, lễ hội, làng nghề; sinh thái nông nghiệp; giáo dục học đường; nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe; phát triển hàng hóa nông nghiệp phục vụ tiêu dùng du lịch: quà tặng, lưu niệm, trang trí; mỹ phẩm, dược phẩm chăm sóc sức khỏe; ẩm thực.

Tăng tỷ trọng lao động nông thôn tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó trên 30% lực lượng lao động du lịch ở xã nông thôn mới phát triển du lịch được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Nâng tỷ trọng dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế xã nông thôn mới phát triển du lịch, chiếm khoảng 15- 20% . Xã nông thôn mới phát triển du lịch phải đạt tăng trưởng 5% trở lên hằng năm về lượng khách đến và doanh thu từ du lịch.

Đề án cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện, trong đó phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ xây dựng một số mô hình phát triển du lịch nông thôn; Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn; Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn; Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch khu vực nông thôn…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Lê Quang Tùng đồng ý với những nội dung nêu trong Đề án và yêu cầu TCDL hoàn thiện Đề án để ngay trong tháng 7.2019 để Bộ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. 

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc