Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Quảng Nam: Phát triển du lịch sinh thái tại làng cổ Lộc Yên

Thứ Năm 26/10/2017 | 16:54 GMT+7

VH- UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 548). Theo đó, huyện Tiên Phước chọn xã Tiên Cảnh và Tiên Châu, với làng cổ Lộc Yên là vũng lõi để làm điểm triển khai Đề án 548, phát triển du lịch sinh thái.

Trong 9 tháng đầu đầu năm 2017 đã có gần 11 nghìn lượt khách đến tham quan các danh thắng ở Tiên Phước như làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng,… Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) nằm ở huyện miền núi Tiên Phước đang là một trong những điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp bình yên và sự thân thiện của cộng đồng cư dân nơi đây.

“Đặc sản” của làng cổ Lộc Yên khiến các nhiếp ảnh gia, “phượt thủ” và du khách mê mẩn chính là những ngôi nhà cổ với ngõ tường dài lát đá, những cổng ngõ hàng trăm năm tuổi được xếp bằng đá rêu xanh rì,… Trong làng hiện còn khoảng 8 ngôi nhà cổ nằm gần kề nhau, có niên đại khoảng từ 100 đến hơn 150 năm tuổi. Kiến trúc các nhà cổ theo kiểu nhà Quảng Nam truyền thống hai gian, ba chái, lợp ngói âm dương và được làm từ gỗ mít vườn – một loại cây trồng đặc sản ở vùng quê này. Phần lớn các ngôi nhà đều nằm ở địa hình dốc đứng, có độ cao nên từ xưa, khi làm nhà, người làng đều xây thêm bờ rào đá để giữ cho đất không bị xói lở. Đá được dùng vào việc phân tầng, bậc cho các bờ vườn trên những sườn đồi để xây ngõ, lát lối đi, xây giếng nước,...

Những ngôi nhà cổ nơi đây còn thu hút du khách hơn khi chúng được dựng nên từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Văn Hà vốn nổi danh khắp xứ miền Trung từ bao đời nay. Trên những thớ gỗ kiên cố là những tác phẩm chạm khắc nghệ thuật với những hình ảnh, hoa văn tinh tế. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ gìn giữ ngôi nhà như một tài sản tinh thần vô giá. Người làng vẫn truyền kể nhau câu chuyện về cụ Nguyễn Huỳnh Anh, chủ nhân ngôi nhà cổ đẹp nhất nhì vùng đã hai lần từ chối lời đề nghị mua lại ngôi nhà cổ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Theo ông Đồng Viết Mão, chủ nhân của một trong những ngôi nhà cổ ở vùng, thời gian gần đây có nhiều đoàn khách và các bạn trẻ, nhiếp ảnh gia tìm đến làng cổ tham quan, khám phá. Với ai, chủ nhân nhà cổ cũng niềm nở mời trà, trò chuyện, thậm chí còn mời khách cùng dùng cơm với những món dân dã nuôi trồng quanh vườn như người thân trong nhà. Mới đây, chủ nhân những ngôi nhà cổ trong vùng cũng được địa phương mời đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương khác trong tỉnh như làng Triêm Tây (Điện Bàn), Mỹ Sơn (Duy Xuyên) để học thêm về kinh nghiệm ở những nơi này.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, địa phương cũng đang có kế hoạch phát triển làng cổ Lộc Yên thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách phía Nam Quảng Nam. Ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng bước đầu đang đầu tư quy hoạch nơi đây thành một điểm du lịch cộng đồng. Trong những năm đến, Quảng Nam xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn với cơ cấu ngành kinh tế là du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong định hướng chung đó, phát huy lợi thế của không gian văn hóa làng quê, Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái theo kiểu homestay kết hợp tham quan các di tích lịch sử-văn hóa.

 Con đường đá dẫn vào ngôi nhà cổ

Huyện Tiên Phước cũng đã xây dựng đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ Lộc Yên, Quảng Nam”. Đề tài đã thiết lập một hành trình quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch sinh thái làng Lộc Yên. Qua đó hoàn thiện hồ sơ khoa học về làng cổ Lộc Yên để trình Cục Di sản văn hóa. Bộ VHTTDL cũng đã thống nhất đề nghị xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với làng cổ Lộc Yên. Đồng thời huyện cũng đang xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, 26 di tích lịch sử - văn hóa và năm danh thắng trên địa bàn sẽ được trùng tu, tôn tạo và quy hoạch bảo vệ, đặc biệt chú trọng các di tích cổ tại làng Lộc Yên. Bên cạnh đó cũng đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo phát triển kinh tế vườn. Người dân làng Lộc Yên sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trồng cây xanh lấy bóng mát, cây ăn quả, chất bờ đá, khôi phục các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa phi vật thể để khai thác du lịch sinh thái.

Chị Đồng Thị Nguyên Thủy, con gái của ông Mão là thế hệ thứ 5 sống nơi ngôi nhà cổ, hồn nhiên kể: Có làm hay không làm du lịch nhưng ở làng này, cứ nhà nào có khách đến tham quan thì dân làng vẫn vui vẻ mời vào nhà, pha trà mời khách, sẵn lòng dẫn khách đi quanh nhà, quanh làng thăm thú mà không kể là người Việt hay người Tây.

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo huyện mới đây, chủ nhân các nhà cổ cũng cam kết duy tu, bảo dưỡng, giữ lại các công trình nhà ở, bờ đá, giếng cổ và các cây cổ thụ để gìn giữ nét đẹp làng quê. Đồng thời đề nghị huyện có phương án cụ thể, hướng dẫn tour du lịch bài bản để khách tham quan được đón tiếp chu đáo.

Được biết, huyện Tiên Phước cũng có phương án chọn xã Tiên Cảnh và Tiên Châu làm điểm triển khai Đề án 548. Theo đó, bước đầu đã hình thành tour du lịch từ Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đi vào ngõ đá xóm Bàu (Tiên Cảnh) và ghé vào làng cổ Lộc Yên. Trong đó, Lộc Yên được chọn là vùng lõi để phát triển du lịch sinh thái, nếu hộ dân nào chất bờ đá, giếng đá, đào ao thả cá, giữ cây lưu niên, trồng hàng rào chè tàu… đều được hưởng cơ chế hỗ trợ cao hơn so với mức trung bình chung của huyện. Đồng thời hướng dẫn bà con có nhà cổ và các hộ dân ngõ đá xóm Bàu liên kết thành lập Hợp tác xã du lịch, dịch vụ để cùng nhau đón khách, hướng dẫn khách tham quan, phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ…

Khánh Chi

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top