Khối kinh tế tư nhân kiến nghị: Đổi mới chính sách thị thực theo hướng cởi mở và ổn định
VHO- Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 vừa có báo cáo mới nhất trong đó đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế: du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển dệt may…
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ lượng khách lớn tới Việt Nam
Sau 2 ngày tổ chức tại Hà Nội vào hồi đầu tháng 5, có thể nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân tin tưởng và đánh giá cao đối với việc ban hành Nghị quyết 10 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đề nghị miễn thị thực cho công dân Australia, Canada, New Zealand
Khối kinh tế tư nhân kiến nghị rà soát, đổi mới chính sách thị thực (visa) theo hướng cởi mở, ổn định, tạo sức cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam và thu hút lượng khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong năm 2019, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện miễn visa cho công dân 3 nước Australia, Canada, New Zealand. Kiến nghị kéo dài ngày miễn thị thực cho nhóm 12 quốc gia lên 30 ngày gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan. Đây là nhóm các nước có khách du lịch đến Việt Nam với độ dài lưu trú cao (từ 10- 17 ngày), chi tiêu bình quân lượt khách cao (trên 1.000 USD) và đều được đa số các nước thành viên ASEAN miễn thị thực 30 đến 90 ngày.
Sớm bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày” và khách du lịch có thể trở lại mà không cần chờ đến 30 ngày nếu thể hiện có chuyến bay khứ hồi về nước họ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Xem xét kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực đang áp dụng là 1 năm lên thành 5 năm, thông báo tiếp tục áp dụng trước 6 tháng đối với danh sách các quốc gia được miễn thị thực nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có thể xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn. Triển khai nâng cấp hệ thống cấp thị thực điện tử trực tuyến, tra cứu điện tử về xuất nhập cảnh với hạ tầng hiện đại, giao diện thân thiện, công bố rộng rãi để khách du lịch quốc tế dễ dàng tiếp cận. Bổ sung thêm 6 quốc qia được miễn thị thực loại 30 ngày gồm Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ.
Đề xuất thí điểm mở 2 văn phòng tại Anh và Australia
Đồng thời cộng đồng kinh tế tư nhân cũng đề xuất cần có chính sách đồng bộ để cải thiện nhanh chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch thông qua việc cho phép thành lập mô hình trường trong doanh nghiệp trên cơ sở rà soát, điều chỉnh lại Quy hoạch mạng lưới các trường đã ban hành.
Sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích mọi doanh nghiệp và người dân phát triển du lịch theo định hướng du lịch xanh, gắn liền du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Coi đây là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động quản lý điểm đến du lịch. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa Việt Nam, thu hút nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch trong bảo vệ môi trường.
Đổi mới mô hình Quỹ phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa vì mô hình quỹ hiện nay làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực tư nhân, đặc biệt trong quảng bá và xúc tiến du lịch. Cho phép thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Trước mắt, cho phép mở Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại một số nước bằng nguồn lực tư nhân. Cần giao việc thành lập các văn phòng này cho lực lượng am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Khu vực tư nhân cam kết nếu Chính phủ cho phép mở thí điểm 2 Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại Anh và Australia (2 nước trong số các thị trường trọng điểm), sẽ đảm bảo nguồn lực vận hành văn phòng trong 4 năm (2020 -2023).
Sớm xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tập trung thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tại Việt Nam. Kiến nghị cho phép tư nhân huy động nguồn lực tài chính, chuyên gia uy tín quốc tế, trong nước để xây dựng Kế hoạch này.
Có chính sách phát triển nhanh các dịch vụ du lịch như ẩm thực, mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe, khám phá văn hóa truyền thống, thể dục thể thao để tăng nguồn thu cho du lịch. Đề xuất Chính phủ giao cho cơ quan quản lý nhà nước và Tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch xây dựng các đề án phát triển từng loại hình dịch vụ du lịch. Đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư, phát huy các nghề truyền thống để làm phong phú các dịch vụ du lịch, thu hút việc làm cho cộng đồng dân cư. Cho phép mở các cửa hàng miễn thuế cho khách du lịch tại các Trung tâm du lịch cả nước...
NGUYỄN ANH