Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Miền quê trù phú bên dòng sông huyền thoại

Thứ Tư 10/10/2018 | 16:04 GMT+7

VHO- Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà nổi tiếng với đặc sản vải thiều cùng với những sản vật, những chùa chiền cổ kính, những sự tích li kì, những lễ hội dân gian, những miệt vườn và dòng sông Hương thơ mộng.

Thanh Hà, miền quê trù phú bên dòng sông Hương thơ mộng

Miền quê trù phú ấy tôi được biết đến cách đây hơn nửa thế kỷ và đã in đậm trong ký ức của tôi.

Sinh thời, những năm 50 của thế kỷ trước mẹ tôi làm nghề hàng xáo. Ngày ngày bà vẫn đi bộ qua cầu Phú Lương sang đất Thanh Hà đi chợ. Bàn chân bà len lỏi khắp chợ cùng quê Thanh Hà: những chợ Gọp, chợ Vàng.

Những món hàng bà mua được là mớ gạo, mớ cám, mớ đỗ hay con gà, con vịt, con ngan... Bà thường kể cho chị em chúng tôi nghe về miền quê trù phú ấy. Cái gì của Thanh Hà cũng ngon từ hạt gạo, mớ rau, quả chanh, quả quất đến con rươi, con ruốc, con cua, con cáy, con cá, con tôm... nhiều thứ ngon “không nơi nào sánh được”.

Mùa vải chín Thanh Hà

Với lũ trẻ chúng tôi, Thanh Hà lúc đó là “miền cổ tích”. Sau này lớn lên, khi đã tự mình bước chân lên cái cầu Phú Lương dài dằng dặc để sang đất Thanh Hà và qua sách báo, phim ảnh,... chúng tôi còn biết về Thanh Hà- một miền quê trù phú, giàu văn hiến- nhiều hơn thế.

Miền đất bốn bề sông nước miệt vườn

Đến Thanh Hà là đến với sông nước miệt vườn và môi trường sinh thái.

Trên bản đồ vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Thanh Hà như một dải lụa xanh. Đây là vùng đất của các con sông. Hiếm có nơi nào trên đất Hải Dương lại có hệ thống sông ngòi “chằng chịt như rễ cây” như vậy. Cũng hiếm có nơi nào xứng đáng hơn danh hiệu “vùng đất của những miệt vườn” như nơi đây. Bao quanh Thanh Hà là ba con sông lớn: sông Thái Bình phía Tây, sông Rạng phía Đông, sông Văn Úc phía Nam, khiến Thanh Hà như một hòn đảo xanh nổi nênh giữa mênh mông sông nước.

Sông lớn và dài nhất trên địa bàn huyện là sông Hương hay Hương Giang (phụ lưu của sông Thái Bình) dài gần 20km, qua 16 làng rồi đổ ra cửa biển Hải Phòng. Sông Hương- dòng “Sông Thơm”, dòng sông huyền thoại, có cả một truyền thuyết rất đẹp. Ngoài việc cung cấp phù sa, nước tưới tiêu cho cả lưu vực các làng hai bên sông, sông Hương còn là đường giao thông thủy hết sức quan trọng.

Thanh Hà có nhiều diện tích là triều bãi, nhiều vùng trước đây là đầm hồ, bãi trũng, quanh năm chỉ có cỏ lau lác, sú vẹt mọc um tùm. Đó là môi trường tốt cho các loài thủy sinh quý, có giá trị dinh dưỡng cao như: tôm, cua, cá, cáy, ruốc, rươi...

Nhưng Thanh Hà không chỉ đằm thắm, dịu dàng xanh thẳm với những dòng sông, ao đầm thơ mộng, Thanh Hà còn có những vườn trái cây xanh mướt. Nơi đây là xứ sở của trái cây Hải Dương. So với nhiều vùng đất khác, Thanh Hà đất rộng người thưa. Ở đây, mỗi hộ dân thường có vài ba sào vườn. Người Thanh Hà bao đời nay rất giỏi trong nghề làm vườn. Với đức tính cần cù chịu khó cộng với truyền thống thâm canh cây ăn quả, người Thanh Hà đã sản xuất ra nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao như: Cam, bưởi, quất, chanh, na, ổi, hồng xiêm, đu đủ, gấc, dừa, dứa, mít, đào, mận, nhót, khế, chuối... Thanh Hà còn trồng nhiều cau. Cau Thanh Hà da xanh, mềm, ngon nổi tiếng kinh thành xưa.

Thương hiệu vải thiều Thanh Hà nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc

Nhưng trong những miệt vườn của Thanh Hà, cây được trồng nhiều nhất vẫn là cây vải. Ở đây, vải bạt ngàn, vải ở khắp nơi. Vải dọc hai bên bờ sông Hương. Vải được trồng trong vườn nhà. Vải hai bên đường. Vải ngay trên lối cổng dẫn ra ngõ... Cây vải trở thành cây trồng chính của vườn Thanh Hà. Toàn huyện Thanh Hà hiện có khoảng 3.930ha vải. Cây vải đã thành “rừng” và cùng nhiều loại cây ăn quả khác đã hình thành khu “rừng” đa dạng sinh học, “rừng” của những trái thơm quả ngọt. Thanh Hà trở thành một miền quê trù phú, miền quê “cổ tích” phần lớn nhờ vào “rừng” cây ấy. Người Thanh Hà tự hào về quả vải thiều quý báu của mình. Vải nơi đây ngon nổi tiếng không nơi nào sánh được, là đặc sản của trái cây Việt Nam. Vải thiều Thanh Hà được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và là một mặt hàng được trông đợi mang về thu nhập lớn cho người dân Thanh Hà.

Miền đất giàu tiềm năng du lịch

Thanh Hà là miền đất rất giàu về tiềm năng du lịch tâm linh, đặc biệt du lịch sinh thái miệt vườn Thanh Hà có tiềm năng lớn.

Đi tour du lịch sinh thái miệt vườn, du khách thường đến thăm vườn vải ở Thúy Lâm- Thanh Sơn, thăm cây vải tổ ở Thanh Sơn, trồng khoảng năm 1870 là cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam. Được chiêm bái thứ quả như được sinh ra từ huyền thoại, thơm ngon chẳng nơi nào sánh được, bạn sẽ có cảm giác ngưng đọng thời gian. Thanh Hà có tới 6 xã đảo với vườn cây ăn trái xum xuê. Các xã đảo không có nhiều cảnh đẹp lung linh mà hấp dẫn du khách chủ yếu nhờ màu xanh của những miệt vườn đầy hoa thơm, trái ngọt. Cảnh vật ở đây thật chất phác, thuần hậu, thanh bình. Đây cũng là một trải nghiệm thú vị với những ai muôn xa rời phố thị, đi tìm sự bình yên, dân dã.

Trong hành trình du lịch miệt vườn, khi đứng trên cầu Hương và cầu Hợp Thanh (cầu Gùa) thơ mộng, từ trên cầu nhìn xuống, sẽ thấy choáng ngợp, sững sờ... Dưới kia là một “biển” xao động, màu xanh biếc. Đó là màu xanh của cây vải. Đến dịp cuối tháng Năm đầu tháng Sáu dương lịch, khi nắng hè bắt đầu chói chang, dưới kia sẽ là bạt ngàn sắc đỏ. Những chùm vải lúc lỉu như mâm xôi gấc sẽ khoe sắc chín đỏ, ngọt lành. Năm nay, lần đầu tiên “Lễ hội vải thiều Thanh Hà- Hải Dương” được tổ chức để tôn vinh quả vải thiều Thanh Hà và người trồng vải. Lễ hội lại đúng vào năm Thanh Hà được mùa vải, niềm vui như được nhân đôi.

Đến với Thanh Hà, bạn không thể không trải nghiệm tour du lịch sinh thái sông Hương suốt gần 10 km. Đây là khúc sông thuộc phạm vi đẹp nhất của tuyến sông Hương. Hai bên bờ rộng mở, sông nước mênh mang, cảnh đôi bờ rất đẹp.

 

Sông Hương như một dải lụa xanh chảy trong lòng miền quê Thanh Hà

Sông Hương- một dải lụa hiền hòa với sắc xanh lung linh trong trẻo như một viên ngọc bích dưới ánh mặt trời, miên man chảy, rồi như một người dẫn đường xuôi dòng đưa du khách đến các miệt vườn. Ở trên con thuyền mộc chèo tay nhẹ nhàng, du khách sẽ nhẩn nha cùng thuyền, phiêu diêu cùng sông nước gió mây, bình yên êm ả cùng với những đám lục bình trôi lững lờ trên sông, thư giãn sảng khoái cùng với gió mát thổi lồng lộng, với màu xanh ngút ngàn của sông, của bầu trời, vạn vật. Dòng sông Hương soi bóng những miệt vườn xanh um, những làng quê êm ả. Hai bên bờ xúm xít những hàng cây vải thiều, cây chuối…. làm nên sắc xanh ngăn ngắt cho đôi bờ.

Khi đang đầy hào hứng viết những dòng cuối cùng này, tôi chợt nhớ đến một người bạn ở Cẩm Chế, Thanh Hà. Bạn email “rủ” tôi về quê bạn chơi: “Tháng 3 bắt cáy, lúc ấy cáy chắc và mẩy. Cáy thập thò ở các cửa lỗ bên bờ sông, bờ ngòi, bờ rãnh. Cáy bò ở các soi, các vườn cau. Có cáy xồm màu đất, lông chân xù xì. Có cáy hồng màu ớt chín…Câu cáy thì cần câu bằng cây trúc, cành tre nhỏ ngọn không cần mềm. Tháng 9 tháng 10 cả làng , già trẻ, gái trai, trẻ con nô nức gọi nhau đi bắt rươi ở đất bãi….rất vui”.

Nghe bạn kể mà tôi như được nghe một chuyện cổ tích. Ở thành phố, tôi chưa bao giờ được biết đến bắt cáy, bắt rươi. Nhất định, tôi sẽ về miền quê trù phú ấy. Về để có những trải nghiệm mới lạ. Về để tận hưởng những gì là thiên nhiên ban tặng. Về để tìm hạnh phúc từ những điều giản dị, để thấy cuộc đời này thật đáng sống.

P.V

 

* Bài viết này có sự hợp tác với Trung tâm Thông tin- xúc tiến du lịch Hải Dương

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top