Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

KHÁM PHÁ NÚI NGŨ ĐÀI- CHÍ LINH: Bài 1- Lên núi Đống Thóc, thăm chùa Bát Hương

Thứ Hai 15/10/2018 | 17:25 GMT+7

VHO- Hít thở sâu giữa bao la trời đất, tôi đã nghĩ rằng: Biết đâu đấy trong tương lai không xa, Quần thể di tích lịch sử văn hóa- danh thắng núi Ngũ Đài (xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với cả một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng phong phú, sẽ trở thành nơi đón đợi bước chân du khách tới thưởng ngoạn, thảnh thơi đắm mình vào phong cảnh kỳ thú, tìm hiểu thêm về một dòng Thiền thuần Việt và nghe những câu chuyện cổ khá ly kỳ, mang tính nhân văn sâu sắc.

Thị xã Chí Linh miền núi của tỉnh Hải Dương, nằm giữa miền rừng núi phía đông bắc Bắc Bộ và miền đồng bằng của châu thổ sông Hồng với nhiều cảnh quan thiên nhiên t­ươi đẹp, đã đi vào văn thơ, sử sách các thời đại.

 

Vùng đất địa linh nhân kiệt với phong cảnh kỳ thú, nổi tiếng với “Chí Linh bát cổ”, với một hệ thống đậm đặc những đền chùa cùng những di tích danh thắng nổi tiếng như: Côn Sơn- Kiếp Bạc, Đền Cao, Đền Sinh- Đền Hóa, núi Ngũ Nhạc, Phượng Hoàng. Không những thế Chí Linh còn nổi tiếng với thắng cảnh trong quần thể Di tích núi Ngũ Đài- nơi tương truyền có một hệ thống chùa chiền do thiên tạo và nhân tạo từ rất xa xưa.

 

Mong muốn được khám phá, “mục sở thị” quần thể di tích này, chúng tôi đã có cuộc thượng sơn mà càng đi tôi càng thấy như ở trong mơ. Điểm đến đầu tiên của hành trình khám phá là ngôi chùa Ngũ Đài (tên chữ là Kim Quang tự). Nhân dân địa phương lấy tên làng Ngũ Đài để gọi cho dễ nhớ. Và cái tên ấy đã gắn liền với lịch sử tồn tại hàng trăm năm, đồng thời đi vào tiềm thức của lớp lớp thế hệ người dân trong và ngoài vùng.

 

Chùa Ngũ Đài trên núi

Theo tư liệu của Viện Hán- Nôm, chùa cổ Ngũ Đài được xây dựng vào thời vua Trần Minh Tông (1320), thờ Phật theo Thiền phái Trúc Lâm, nằm trong hệ thống chùa cổ Yên Tử- Quỳnh Lâm- Thanh Mai- Sùng Nghiêm, nổi tiếng linh thiêng và tồn tại qua nhiều triều đại phong kiến… Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, nằm dưới chân núi Đống Thóc, tựa vào núi Vua Bà, núi Chóp Chài sừng sững, giữa bạt ngàn cây xanh của rừng nguyên sinh hùng vĩ. Bốn mùa vân tản- thông reo- suối hát. Xung quanh có những dãy núi hình cánh cung ôm lấy ngôi chùa.

Lời bài minh khắc trên bia đá của ngôi chùa lưu truyền rằng:

Lớn thay! Huyện Phượng.

Đẹp quá! Hoàng hương.

Núi Đài trùng điệp.

Suối nước mênh mang.

Một cung chùa Phật.

Hòa thượng thập phương

Còn đây di tích

Người đời không  quên…

Cảnh đẹp Ngũ Đài Sơn là vậy, nhưng chiến tranh và thời gian đã làm hủy hoại hoàn toàn các di tích cả quần thể, trong đó có chùa. Ngôi chùa hiện hữu do nhân dân địa phương và phật tử công đức xây dựng lại vào những năm 2003- 2004, thấp hơn vị trí cũ, nhỏ hơn quy mô cổ rất nhiều.

Vùng núi Ngũ Đài còn ôm trong mình những truyền thuyết lịch sử, những huyền thoại cùng sự tích ra đời hệ thống những di tích trên dãy núi phía sau chùa. Tương truyền, ở khu vực Đài Sơn xưa, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, linh thiêng, với hàng trăm gian nằm rải từ chân núi lên tới đỉnh núi. Trong đó có những chùa hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra từ thuở “khai thiên lập địa” và nhân tạo như: chùa Ngũ Đài, Hàm Long, Bát Hương, hang Pheo, “Công viên đá” với muôn hình, như Thỏ, Rùa, Ông Cóc. Sự lạ kỳ của Bàn chân Phật, Cổng Trời, Giếng Trời, Nậm Rượu...

 

Núi Ngũ Nhạc chìm khuất trong mây

Sau khi tham quan chùa Ngũ Đài, chúng tôi đã lên núi bằng chính con đường mòn phía sau chùa.

Núi Đống Thóc có độ cao khoảng gần 300m so với mực nước biển. Nhiều đời người từ xưa truyền lại, đây là đỉnh núi thiêng, nơi luôn mang đến sự ấm no cho mọi người. Vì vậy mà người ta đều tin rằng nếu muốn phong điều vũ thuận- mùa màng tươi tốt, cứ tới núi mà cầu là ứng nghiệm. Có lẽ, người dân ở đây nghìn đời gắn bó với núi với rừng, sống- thác đều nhờ vào rừng mà truyền tụng vậy chăng! Hay bởi núi Đống Thóc sừng sững như bức bình phong lớn, che chở cho làng mạc, ruộng đồng nơi đây, mỗi khi đất trời nổi phong ba!

Trên đỉnh núi Đống Thóc không có chùa chiền, nhưng tại đây đã dựng pho tượng lớn Văn Thù Bồ Tát bằng đá trắng, từ dưới núi đã có thể nhìn thấy, tôn thêm vẻ đẹp cho không gian linh thiêng chốn sơn lâm này…

Từ đỉnh núi Đống Thóc, chúng tôi lại tiếp tục hành trình để đến với những điều kỳ diệu và lý thú đang ở phía trước.

Theo các vị cao niên trong làng, đời nọ truyền đời kia, vị trí tương truyền có tồn tại ngôi chùa Hàm Long là nơi giấu binh lương của quân dân nhà Trần trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông. Những người mang vũ khí, lương thực lên đây xong, họ đều tuẫn tiết để đảm bảo bí mật. Sau này đất nước thái bình, triều đình và nhân dân đã lập chùa để thờ Phật và ghi nhớ công ơn những người vị quốc vong thân…Thực hư điều này, rất cần các nhà chuyên môn về lịch sử và khảo cổ vào cuộc.

 

Vị trí được cho là đã từng tồn tại chùa Hàm Long

Ai cũng muốn nấn ná với cảnh đẹp ở khu vực Hàm Long, song phía trước vẫn còn những điều kỳ thú thôi thúc…Chúng tôi, những du khách hiếm hoi đến với Ngũ Đài lại tiếp tục theo chân các “hướng dẫn viên du lịch” địa phương tìm rãnh nước chảy làm đường lên một ngôi chùa khác có tên gọi là Bát Hương.

Điểm đến này nằm phía trên chùa Hàm Long, leo mất khoảng gần nửa giờ. Chùa ở vị trí có độ cao khoảng trên 500m so với mực nước biển. Đây là chùa Thiên tạo, được tạo thành bởi 3 khối đá lớn chồng lên nhau, chênh vênh, vậy mà vẫn trường tồn cùng năm tháng. Nhân dân trong vùng cho biết đây cũng là nơi rất linh thiêng. Họ thường tới cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, làm rừng hiệu quả. Giữa không gian mênh mông, con người nhỏ bé bị chìm vào trong mây, ngập trong cây cỏ và lẫn trong bãi đá muôn hình kỳ thú.

Giữa không gian u tịch, thanh tịnh, chùa như nét chấm phá của một bức tranh thủy mặc. Có lẽ, ai tới đây cũng không muốn về, bị mê hoặc bởi cảnh sắc ấy.

P.V

 

(Phần II: Theo Ông Cóc lên Cổng Trời)

Bài viết này có sự hợp tác của Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch Hải Dương

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top