Cần một sáng kiến khả thi, có sức lan toả trong ASEAN

VH- Ngày 28.8, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã báo cáo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng về việc chuẩn bị Diễn đàn du lịch Đông Nam Á (ATF) năm 2019 và đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Cần một sáng kiến khả thi, có sức lan toả trong ASEAN - Anh 1

TCDL báo cáo Thứ trưởng Lê Quang Tùng về một số hoạt động quan trọng thời gian tới

Theo kế hoạch, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 14 - 18.1.2019. Đây là lần thứ hai Diễn đàn Du lịch ATF được tổ chức tại Việt Nam, sau lần đầu tiên đăng cai vào năm 2009.

Truyền đi thông điệp sức mạnh và vẻ đẹp chung của ASEAN

Với vai trò là nước chủ nhà ATF 2019, Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề là “ASEAN- Sức mạnh của sự thống nhất” - “ASEAN - The Power of One”. Đây là nội dung cụ thể hóa định hướng chung của các quốc gia trong hợp tác ASEAN nói chung, hướng tới khu vực ASEAN “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một Cộng đồng/One Vision, One Identity, One Community”. Nội dung chủ đề thể hiện ý nghĩa về sức mạnh, vẻ đẹp chung của 10 nước ASEAN khi cùng hợp tác, liên kết cũng như thể hiện vẻ đẹp riêng của từng chủ thể, cá nhân trong cộng đồng chung, cùng hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Logo và bộ nhận diện sử dụng trong ATF 2019 vẫn là logo của Diễn đàn du lịch ASEAN (ASEAN tourism forum) và logo hiện tại của du lịch Việt Nam.

Theo thông lệ, trong khuôn khổ ATF sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, các Phiên họp lãnh đạo cơ quan Du lịch quốc gia, Hội chợ Du lịch TRAVEX cùng nhiều sự kiện bên lề khác. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN với các nước đối tác, quy mô mỗi hội nghị dự kiến khoảng 200 đại biểu, tập trung thảo luận các nội dung: Nâng cao năng lực cạnh tranh, Tiêu chuẩn hóa, phát triển nguồn nhân lực du lịch, Phát triển du lịch bền vững và bao trùm. Sau phiên họp sẽ diễn ra họp báo Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác.

Các sự kiện tại ATF là những hoạt động quan trọng nhằm trao đổi thông tin, phương hướng hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch trong khu vực đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển ASEAN thành một điểm đến chung, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và góp phần thúc đẩy trao đổi khách nội khối. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhấn mạnh: “Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN rất quan trọng vì tại đó sẽ truyền đi thông điệp của du lịch ASEAN. Chủ đề của Hội nghị phải có tính bao trùm trong hoạt động du lịch của khối và thể hiện được sáng kiến của Việt Nam. Sáng kiến đó phải được các nước trong khối thừa nhận, ủng hộ và có sức lan toả tới các nền kinh tế, để xã hội và người dân các nước ASEAN hưởng lợi, góp phần phát triển bền vững và kết nối cao. Trong đó, các nước có thể hỗ trợ lẫn nhau về đào tạo nghề du lịch, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối điểm đến, quản lý điểm đến”.

Lãnh đạo TCDL cho biết đã dự kiến chủ đề “Đối tác đa văn hoá hướng tới ASEAN độc đáo” nhằm nhấn mạnh sự đa dạng của ASEAN tạo nên một điểm đến chung ASEAN độc đáo, trong đó sử dụng công nghệ 4.0 để kết nối các điểm đến, các nền văn hoá trong khu vực. Thứ trưởng Lê Quang Tùng đánh giá cao chủ đề này nhưng cho rằng quá rộng, khó khả thi. Thứ trưởng gợi ý TCDL nghiên cứu chủ đề “Kết nối di sản” nhằm hướng tới việc kết nối các di sản thế giới trong khu vực ASEAN để có một bức tranh chung về di sản, văn hoá khu vực vào năm 2019. Với chủ đề này, cần phải xây dựng cụ thể hành trình tour, kết nối đường bay, kết nối các di sản trong khu vực ASEAN, marketing về du lịch di sản ASEAN, phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia. Đồng thời cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và những giải pháp, kế hoạch để thực hiện chương trình hợp tác chung tốt nhất. Ví dụ, tất cả các khách đi tour các di sản ASEAN được miễn visa, giảm giá vé máy bay tới các di sản ASEAN... làm sao để tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch tiếp cận các dịch vụ du lịch ASEAN.

 ​TCDL nghiên cứu chủ đề “Kết nối di sản” nhằm hướng tới việc kết nối các di sản thế giới trong khu vực ASEAN để có một bức tranh chung về di sản, văn hoá khu vực vào năm 2019. Với chủ đề này, cần phải xây dựng cụ thể hành trình tour, kết nối đường bay, kết nối các di sản trong khu vực ASEAN, marketing về du lịch di sản ASEAN, phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia. Đồng thời cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và những giải pháp, kế hoạch để thực hiện chương trình hợp tác chung tốt nhất. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng)

Cần vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sao cho hiệu quả

Việc thành lập và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được cho là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực xã hội trong công tác quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ở phiên họp trước, dự thảo đề án lần này Quỹ sẽ được thành lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập (trực thuộc TCDL); Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch gồm: Hội đồng quản lý Quỹ (Chủ tịch Hội đồng quyết định nhiệm vụ của Quỹ), Cơ quan điều hành Quỹ (Giám đốc Quỹ điều hành nhiệm vụ cụ thể) và Ban Kiểm soát Quỹ, làm việc chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, tất nhiên về lâu dài phải có nguồn thu để chi thường xuyên cho bộ máy. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, có vốn điều lệ, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định.

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm: Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp 300 tỉ đồng (nguyên tắc vốn điều lệ phải được bảo toàn); 10% tổng số thu ngân sách hằng năm từ phí thị thực xuất, nhập cảnh và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; 5% tổng thu từ phí tham quan; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Khi thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ sẽ được sử dụng chi đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả cho các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng; chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ. Một nội dung được cho là rất quan trọng trong đề án là Quỹ được quyền chủ động chứ không phải lập dự toán hằng năm.

Hiện nay, TCDL đã lấy ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư về mô hình, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng và đang trong giai đoạn hoàn thiện Đề án để báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào ngày 15.5.2018, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kết luận: “Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV, trong đo các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát hoạt động theo chế độ chuyên trách”. Sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ liên quan, Bộ VHTTDL sẽ xin giải trình với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vì phương án này khó có thể thực hiện được.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng yêu cầu, TCDL tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu kỹ thực trạng của du lịch Việt Nam, nắm bắt nhu cầu phát triển mới và đề xuất các phương án cụ thể hoàn thiện đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. 

 THUÝ HÀ

Ý kiến bạn đọc