Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên

VHO - Trong hai ngày 21-22.2 (tức ngày ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn), liền anh, liền chị của các CLB Quan họ và nhân dân quanh vùng đã háo hức về dự lễ hội Lim năm 2024. Lễ hội được tổ chức tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó Trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (đồi Lim) thị trấn Lim.

Lễ hội vùng Lim bắt đầu từ ngày 21.2 (tức ngày 12 tháng Giêng) với nghi thức dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim.

Vào ngày 22.2 (tức ngày 13 tháng Giêng), bắt đầu bằng rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, xã Liên Bão, thị trấn Lim.

Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên - Anh 1

Các "nghệ sĩ" quan họ nhí

Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm núi Lim và khu vực Hồ điều hòa Vân Tương. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: hát đối đáp Quan họ, hát canh quan họ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân…

Năm nay, hội Lim tổ chức 12 lán hát quan họ (tại khu vực đồi Lim 9 lán Quan họ, 1 lán tổ tôm điếm và 3 lán tại khu vực Hồ Điều Hòa Vân Tương). Các CLB Quan họ, các liền anh, liền chị ở các làng Quan họ gốc, làng quan họ thực hành, quan họ ngoài tỉnh cùng các nghệ nhân hát giao lưu với các nghệ sĩ Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh tại 12 lán hát.

Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên - Anh 2

Đông đảo người dân trảy hội Lim 

Ngoài ra, trên núi Lim còn 1 dãy lán gồm thơ và thư pháp; 1 dãy lán trưng bày và quảng bá, giới thiệu sản phẩm quan họ. Ban tổ chức cũng dựng 2 cây đu, làm 1 sới vật; 1 sới bịt mắt bắt dê, 1 khu đập niêu tại khu vực Hồ điều hòa Vân Tương.

Từ xa đã văng vẳng những làn điệu Quan họ, những câu hát giao duyên làm say đắm du khách đến với lễ hội. Các liền anh trong trang phục áo dài, quần dài trắng, khăn xếp; các liền chị với áo mớ ba mớ bảy, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao lúng liếng trong các làn điệu của bài Mười nhớ, Cây trúc xinh, Lời thương ta ngỏ cùng nhau, Trầu cau Quan họ…

Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên - Anh 3

Chị Hai têm trầu cánh phượng

Không chỉ các liền anh, liền chị ở Bắc Ninh mà nhiều CLB ở các địa phương lân cận cũng tới để nghe hát vào giao lưu, học hỏi. Bà Nguyễn Thị Liên, xã Cao Đức (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) rất vui vì lần đầu tiên đến Hội Lim và được cùng lúc nghe nhiều “bọn” quan họ hát. Bà đến các lán quan họ để hát giao lưu với các nghệ sĩ.

Trong không khí sôi nổi, nhộn nhịp, bà Lê Thị Phương (xã Đào Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ niềm vui vì được đến dự Hội Lim. Trong trang phục của chị Hai quan họ, nhiều người lầm tưởng bà là người quan họ, nhưng bà vui vẻ tiết lộ: “Đoàn tôi có hơn 30 người đi từ 5 giờ sáng để đến dự hội. Chị em trong đoàn ai cũng thuê trang phục để chụp ảnh và hoà chung không khí của Hội Lim”.

Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên - Anh 4

Liền anh liền chị hát giao duyên 

Tại khu vực thuỷ Đình, rất đông người dân đã tập trung ở đây, để nghe các làn điệu quan họ biểu diễn trên thuyền. Năm nay, thay vì ngả nón “xin tiền” mà các liền anh, liền chị dùng bó hoa đã đặt sẵn cánh trầu giơ cao để người dân thả tiền vào. Số tiền tặng 10 nghìn cho đến 200 nghìn đồng, có một vài người tặng 500 nghìn đồng.

Một số du khách cho rằng, việc tặng tiền là tự nguyện, ủng hộ các nghệ sĩ đã biểu diễn liên tục suốt nhiều giờ liền cho người dân. Đây cũng là một hành xử văn hoá, không nên coi là “xin – cho”.

Hội Lim rộn ràng làn điệu Quan họ, câu hát giao duyên - Anh 5

Biểu diễn quan họ trên thuyền rồng

Theo NSƯT Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, việc thưởng tiền không phải là mới mà là mỹ tục đã có truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian của người Việt, trước được gọi là “thướng tiền”. Một người lao động nghệ thuật, một người thướng tiền, điều đó cũng thể hiện tấm lòng của người yêu làn điệu dân ca quan họ. “Nói rằng “Quan họ ngửa nón xin tiền” là ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của người quan họ”, nghệ sĩ Xuân Mùi bày tỏ.

Ban tổ chức cho biết, không “cấm” các điểm hát quan họ nhận tiền thướng của du khách, nhưng phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống. Khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp...

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc