Nơi "giữ lửa" văn hoá bản, làng

NGUYỄN LINH

VHO - Từ những điểm sinh hoạt tạm bợ, nay các nhà văn hóa ở huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) đã trở thành nơi “giữ lửa” văn hóa bản làng, làm bệ đỡ cho các phong trào và gắn kết cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một chiều giữa tháng năm, bản Chanh (xã Sơn Thủy) vang tiếng trống chiêng hòa cùng nhịp múa xòe của các bà, các chị người Thái trong bộ váy áo truyền thống.

Trên sân gạch rộng rãi, khang trang, tiếng cười nói rộn rã của thanh niên hòa lẫn tiếng trẻ nhỏ chạy đùa. Họ đang tập dượt cho hội diễn văn nghệ xã, tổ chức tại nhà văn hóa bản vừa hoàn thành cách đây không lâu.

Nơi "giữ lửa" văn hoá bản, làng - ảnh 1
Xòe Thái – Vũ điệu kết nối cộng đồng nơi non cao xứ Thanh

“Có được cái nhà to đẹp thế này để sinh hoạt là mơ ước từ lâu của dân bản,” ông Lữ Văn Dự, một trong những người đầu tiên hiến đất để xây nhà văn hóa, nói với ánh mắt tự hào: “Tôi tự nguyện hiến hơn 1.000 mét vuông đất vì hiểu rằng đây không chỉ là nơi hội họp mà còn là chỗ gìn giữ văn hóa, để con cháu còn biết múa xòe, đánh cồng.”

Bản Chanh hiện có 64 hộ, gần 300 nhân khẩu, đa số là người Thái. Trước năm 2024, sinh hoạt cộng đồng phải tổ chức trong một gian nhà cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Những buổi họp, những buổi diễn tập văn nghệ hay tổ chức đám cưới, ăn hỏi… đều phải mượn nhà dân, vừa bất tiện vừa thiếu sự kết nối.

Với nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự đồng lòng của người dân, một nhà văn hóa mới đã được xây dựng ngay trung tâm bản.

Công trình có diện tích hơn 200m², mái lợp tôn lạnh, nền lát gạch đỏ, trang bị hệ thống âm thanh cơ bản, đủ đáp ứng các hoạt động văn hóa – thể thao, hội họp và tuyên truyền.

Một thành viên trong đội văn nghệ, kể: “Ngày xưa đội phải mượn sân nhà tôi để tập, mùa mưa thì nghỉ luôn. Giờ có nhà văn hóa, chị em trong bản mỗi tối đều tập múa, học thêm điệu khặp, dạy múa cho mấy bé nhỏ. Vui lắm!”

Từ điểm sáng bản Chanh, phong trào xây dựng nhà văn hóa lan rộng khắp xã Sơn Thủy. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn xã đã xây mới 6 nhà văn hóa, sửa chữa một điểm cũ với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng. Các nhà văn hóa đều đặt tại vị trí trung tâm bản, được quy hoạch gắn liền với sân chơi, bãi tập, tạo thành không gian sinh hoạt đồng bộ.

Nơi "giữ lửa" văn hoá bản, làng - ảnh 2
Người dân tại huyện vùng cao Quan Sơn tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống tại nhà văn hóa

Theo lãnh đạo xã Sơn Thủy, “nhà văn hóa là thước đo sự văn minh của bản làng”. Có nhà văn hóa, đời sống tinh thần của người dân thay đổi hẳn: đội bóng chuyền hơi của các bản thi đấu giao lưu hàng tuần; các tiết mục văn nghệ truyền thống được duy trì đều đặn; người cao tuổi tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, chia sẻ cách giữ gìn phong tục.

Không chỉ ở Sơn Thủy, làn sóng xây dựng thiết chế văn hóa lan tỏa khắp huyện Quan Sơn. Theo Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện, trong vòng ba năm trở lại đây, đã có 45 nhà văn hóa bản, khu phố được xây mới hoặc cải tạo, trong đó có 20 công trình hoàn toàn mới, với tổng kinh phí gần 55 tỉ đồng. Nhiều công trình được bố trí ở các bản xa, bản đặc biệt khó khăn – nơi người dân trước kia còn e dè với các phong trào.

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng, cho biết: “Quan Sơn là huyện vùng biên, đông đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường. Việc có nhà văn hóa ở bản không chỉ là yêu cầu về cơ sở vật chất trong xây dựng nông thôn mới mà còn là bước đi quan trọng để bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần người dân.”

Gắn liền với thiết chế văn hóa là các công trình thể thao. Đến nay, toàn huyện có 9 sân vận động cấp xã, hơn 100 sân bóng chuyền hơi, nhiều điểm chơi thể thao gắn với nhà văn hóa bản. Vào chiều tối, hình ảnh người dân, từ cụ ông đến cháu nhỏ, cùng ra sân luyện bóng, tập thể dục đã trở thành nét quen thuộc ở nhiều bản làng vùng cao.

Tuy vậy, hành trình xây dựng hệ thống thiết chế VHTT ở Quan Sơn cũng gặp không ít rào cản. Nhiều bản chưa có quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL.

Một số nơi còn thiếu thiết bị như loa đài, bàn ghế, dụng cụ thể thao. Việc xã hội hóa gặp khó vì người dân vùng cao còn nghèo, không đủ điều kiện đóng góp lớn.

“Một số nhà văn hóa đã xuống cấp sau hơn 10 năm sử dụng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa. Chúng tôi đang tập trung rà soát, lồng ghép nhiều nguồn lực để ưu tiên các điểm khó khăn,” ông Thơ chia sẻ.

Huyện Quan Sơn đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% bản và khu phố có nhà văn hóa đạt chuẩn, được trang bị đầy đủ, gắn với sân chơi cộng đồng. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững, nhằm nâng cao chất lượng sống và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Khi hoàng hôn buông xuống bản Chanh, những ánh đèn trong nhà văn hóa vừa lên, tiếng nhạc xòe lại vang vọng giữa núi rừng. Trong “nhà chung” ấy, văn hóa đang hồi sinh, lan tỏa và neo giữ hồn cốt của bản làng vùng cao nơi biên giới.