Quảng Nam: Tính chuyện mua lại rừng, trồng cây bản địa bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám

VH- Tỉnh Quảng Nam đang tính đến phương án mua lại rừng, trồng cây bản địa để mở rộng không gian sống, đảm bảo di chuyển và nguồn thức ăn cho đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành).

Quảng Nam: Tính chuyện mua lại rừng, trồng cây bản địa bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Anh 1

Quảng Nam: Tính chuyện mua lại rừng, trồng cây bản địa bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Anh 2

   Voọc chà vá chân xám phát hiện tại khu vực núi Hòn Dồ, Tam Mỹ Tây, Núi Thành

Ngày 9.8, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đại diện các ngành liên quan, địa phương, đơn vị tư vấn đã đến kiểm tra thực địa, khảo sát khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá chân xám tại núi Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam). 
Đàn voọc chà vá chân xám này được người dân phát hiện và thông báo Chi cục Kiểm lâm theo dõi từ năm 2000. Qua khảo sát, hiện đàn voọc ở khu vực núi Hòn Dồ này có khoảng 2 gia đình với hơn 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên rộng khoảng hơn 10 ha, trong đó có cả cá thể con mới sinh. Điều kiện sống của đàn voọc chà vá chân xám đang chịu nhiều áp lực như : phạm vi không lớn, sinh cảnh sống bị thu hẹp, thiếu thức ăn, ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa, con non thường bị chết cóng, dẫn đến thoái hóa nguồn gen, tăng nguy cơ diệt vong đàn voọc chà và chân xám tại đây. 
Bên cạnh đó đàn voọc đang chịu áp lực rất lớn do tác động của cộng đồng địa phương tại đây như xâm lấn rừng tự nhiên để lấy mở rộng sản xuất, lấy đất trồng rừng; bị đe dọa bởi hoạt động săn bắn, ảnh hưởng đến số lượng quần thể voọc chà vá chân xám
Sau khi thị sát, Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc cùng các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn để trao đổi giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám. 
Trước hết, cần lập quy hoạch bảo vệ, cắm mốc và khoanh vùng bảo vệ, xây dựng khu bảo tồn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây để đàn sinh trưởng tự nhiên. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng cần sớm lập phương án bổ sung vào Dự án Trường Sơn Xanh để bố trí vốn hỗ trợ công tác bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám.

Quảng Nam: Tính chuyện mua lại rừng, trồng cây bản địa bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Anh 3

 Tổ bảo vệ rừng thôn Đồng Cố sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện tuần tra, giám sát đàn voọc chà vá chân xám

Theo ông Thanh, khu vực núi Hòn Dồ đàn voọc chà vá chân xám sống phạm vi quá hẹp,  bị chia cắt, bao quanh bởi các rừng keo của người dân nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn voọc. Vì thế tỉnh Quảng Nam cũng đã tính phương án mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực này để đảm bảo  môi trường sống của đàn voọc được rộng hơn. Đồng thời tính chuyện trồng lại rừng cây bản địa để bảo vệ đàn voọc có thể di chuyển, đảm bảo nguồn thức ăn. 
Để bảo vệ đàn voọc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền. Trong đó, quan tâm đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phục hồi dải rừng của khu vực có phân bố đàn voọc. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy cấp của loại linh trưởng này, kết hợp vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tổ chức ký cam kết cộng đồng không săn bẫy thú rừng quý hiếm. Tăng cường các đội, nhóm bảo vệ đàn voọc để chấm dứt tình trạng săn bắn của người dân vùng khác đến.
Được biết, Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Quảng Nam cũng đã có đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi khoảng 80ha rừng kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà (huyện Núi Thành) để tạo sinh cảnh bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám.
    Trước đó, vào tháng 7.2017, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet), đơn vị tư vấn dự án bảo tồn voọc chân xám, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam tổ chức chuyến khảo sát tìm hiểu quần thể voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Bước đầu ghi nhận đàn voọc có con non là một trong những bằng chứng cho thấy chúng đang phát triển, sinh trưởng.

Quảng Nam: Tính chuyện mua lại rừng, trồng cây bản địa bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám - Anh 4

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khảo sát khu vực sinh sống của đàn voọc chà vá chân xám tại núi Hòn Dồ vào ngày 9.8

Đơn vị tư vấn đã có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai kế hoạch bảo tồn nguyên vị (tại chỗ) loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Theo đó kế hoạch sẽ theo các bước như sau: Hỗ trợ kinh phí cho đội tuần tra rừng trên địa bàn, giúp ngăn ngừa các hành vi đe dọa tới quần thể voọc. Kế hoạch tiếp theo nâng cao nhận thức người dân địa phương, tiếp tục nghiên cứu quần thể voọc, tăng cường tuần tra giám sát, mở rộng diện tích rừng, tạo sinh cảnh sống cho voọc. GreenViet cũng cam kết hỗ trợ kinh phí cho tổ bảo vệ rừng thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12.2018 nhằm tuần tra, giám sát hai gia đình voọc chà vá chân xám. 
Qua khảo sát thì cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Tam Mỹ Tây rất cao, hai gia đình voọc tại khu vực này hiện nay đang rất dễ dàng tiếp cận. Nếu được kiểm đếm cụ thể, nghiên cứu cả động thực vật của vùng, vận động người dân cùng bảo vệ thì địa phương có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Theo định hướng của tỉnh về bảo vệ đa dạng sinh học và trên cơ sở thực tế, Green Viet sẽ tham vấn để các ngành chức năng, chính quyền xây dựng dự án phù hợp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voọc chà vá chân xám quý hiếm này.

 ​ Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea, là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, phân bố trên địa bàn 5 tỉnh khu vực trung Trường Sơn, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Đây là loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm, nằm trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 700 - 1.000 cá thể.
(Tổ chức Động Thực vật Hoang dã Quốc tế Fauna & Flora International - Chương trình tại Việt Nam) 

  

 Khánh Chi

 

 

Ý kiến bạn đọc