Xin đừng gọi là “làng không chồng”

VH- Làng Tamang gheng chìm khuất trong rừng sâu, núi cao thuộc xã An Trung, huyện An Lão, Bình Định. Đường dẫn vào ngôi làng này xa hun hút và vắng ngắt. Những hộ dân nơi đây sinh sống trong các căn nhà đơn sơ, nghèo nàn. Mọi người thường gọi làng Tamang gheng là “làng không chồng” vì rất nhiều phụ nữ nơi đây sống độc thân.

Xin đừng gọi là “làng không chồng” - Anh 1

 Con trai chị Đinh Thị Hồng ở làng Tamang gheng

 Trước đây làng Tamang gheng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, không đường, không điện và ít người qua lại. Từ khi chính quyền huyện An Lão chọn vùng đất này làm khu tái định cư, giãn dân thì Tamang gheng mới bắt đầu có người đến sinh sống. Tại huyện An Lão, gia đình nào đông con, đất chật không có chỗ ở thì đăng ký định cư ở làng Tamang gheng để được cấp đất ở, được hỗ trợ 4-5 triệu tiền xây dựng nhà.

Trước năm 2009, làng Tamang gheng chưa có cầu Đất Dài nối với thị trấn An Lão, cư dân ở đây hầu như chẳng mấy khi được nhìn thấy ánh sáng điện. Cuộc sống người dân ở đây phần lớn đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không tiền bạc, không nhà cửa, đất đai. Họ phải rong ruổi khắp nơi để làm nghề khai thác gỗ, trồng rừng thuê kiếm kế sinh nhai qua ngày.

Chị Bùi Thị Mây, một phụ nữ đơn thân tại làng Tamang gheng tâm sự: “Ban đầu những gia đình đến làng Tamang gheng sinh sống đều đủ cả chồng lẫn vợ, thế nhưng sống chung được vài năm thì người chồng bỏ vợ con đi biệt tích vì cuộc sống khốn khó. Nhiều gia đình vì quá khó khăn, cãi vã và ly hôn. Không ít phụ nữ từ các địa phương khác sau khi ly hôn, không chốn nương thân cũng về làng Tamang Gheng sinh sống. Bởi vậy, ngay từ khi mới lập làng, Tamang gheng được gọi là Làng không chồng. Cả làng có 70 hộ thì có gần hơn một nửa hộ gia đình là phụ nữ đơn thân nuôi con”.

Xin đừng gọi là “làng không chồng” - Anh 2

 Ngôi trường mẫu giáo dành cho con em làng Tamang gheng

Đôi mắt trũng sâu, ẩn chứa nỗi u buồn, chị Đinh Thị Hồng, 38 tuổi nhưng trông già hơn cái tuổi rất nhiều. Từ một cô gái Hrê xinh đẹp ngày nào bây giờ là một phụ nữ bệnh tật, một mình nuôi hai con nhỏ. Đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Đã mấy năm nay chồng Hrê bỏ đi biệt tích, chưa về thăm con một lần, chị cũng không biết chồng đang ở đâu, còn sống hay đã chết.

Chị Hrê buồn bã: “Gần 2 năm trước tôi đổ bệnh nặng không có thuốc uống, rồi mắt phải đã không nhìn thấy nữa, chồng thấy thế bỏ đi biệt tích đến nay. Một mình tôi nuôi 2 đứa con. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chị em trong làng đến động viên, giúp đỡ tôi rất nhiều, chính vì thế mà tôi có thêm động lực tiếp tục sống nuôi con. Hằng tháng chính quyền hỗ trợ chế độ tàn tật cho tôi được 400 ngàn đồng, ngày không đau ốm tôi lại cố gắng đi làm thuê làm mướn”.

Nước mắt lăn dài trên gò má, chị Hrê nuối tiếc: “Ngày còn con gái tôi là một trong những người trẻ đẹp nhất làng, có giọng hát rất hay nên được tuyển vào Đội văn nghệ của xã tham gia văn nghệ của địa phương. Từ ngày lập gia đình, rồi vợ chồng ly tán, Hrê bị hỏng mắt không thể tham gia văn nghệ buồn lắm”.

Xin đừng gọi là “làng không chồng” - Anh 3

 Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Đinh Thị Hồng ở làng Tamang gheng

Theo chị Hrê, ở làng Tamang gheng có nhiều phụ nữ cũng rơi vào hoàn cảnh như chị, bằng sự đồng cảm, các chị em đùm bọc yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, có việc gì làm thì gọi nhau đi làm kiếm thêm thu nhập nuôi con.

“Tôi chỉ mong ước sớm được phẫu thuật mắt, chồng sớm trở về để gia đình đoàn tụ. Mắt sáng đi làm kiếm tiền nuôi con, có tiền cho con đến trường học tập, thay đổi cuộc sống, chứ mãi trong cái làng này thì khổ lắm. Không chỉ con tôi, trong làng Tamang gheng rất nhiều đứa trẻ không được đến trường, một số trẻ học tập trong những ngôi trường nghèo nàn, thiếu thư viện, thiếu sách vở. Văn hóa tinh thần sau mỗi giờ học là vui đùa bên những cái sân đất, ngày mưa lầy lội, nắng thì bụi bặm”, chi Hrê ray rứt.

Ông Huỳnh Văn Lệ, già làng tại làng Tamang gheng cho biết: “Làng Tamang gheng gọi là “làng không chồng” vì phần lớn phụ nữ trong làng này không lấy chồng, hoặc bị chồng bỏ do điều kiện gia đình quá khó khăn. Mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều phụ nữ làng được hỗ trợ chế độ khó khăn, bệnh tật, tạo việc làm nên cuộc sống bớt khó khăn phần nào. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa có điện, một số gia đình quá khó khăn vẫn chưa thể đăng ký sử dụng điện. Cơ sở trường học, nhà văn hóa thiếu thốn nên sinh hoạt văn hóa vẫn nghèo nàn”.

Chia tay “làng không chồng” trong cơn mưa chiều, làng Tamang gheng càng trở nên vắng lặng, hắt hiu, ảm đạm. Số phận của nhiều phụ nữ, những đứa trẻ nơi đây rồi sẽ ra sao? Tương lai thế nào còn chông chờ rất nhiều vào sự cố gắng, nỗ lực của họ, sự vào cuộc giúp đỡ của chính quyền địa phương. Già làng Huỳnh Văn Lệ nhắn gửi, dù gì đi nữa thì xin đừng gọi là “làng không chồng”.

 ​Làng Tamang gheng gọi là “làng không chồng” vì phần lớn phụ nữ trong làng này không lấy chồng, hoặc bị chồng bỏ do điều kiện gia đình quá khó khăn. Mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều phụ nữ làng được hỗ trợ chế độ khó khăn, bệnh tật, tạo việc làm nên cuộc sống bớt khó khăn phần nào. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa có điện, một số gia đình quá khó khăn vẫn chưa thể đăng ký sử dụng điện. Cơ sở trường học, nhà văn hóa thiếu thốn nên sinh hoạt văn hóa vẫn nghèo nàn.

(Ông Huỳnh Văn Lệ, già làng Tamang gheng)

 

Ý kiến bạn đọc