Nghệ An: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở chờ đến bao giờ?

VH- Thực hiện chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ, dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai nhiều năm. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện, người dân vẫn đang sống ởvùng nguy hiểm trong tâm trạng lo âu và chờ đợi.

Đang trong cao điểm mùa mưa, song tiến độ di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp gặp nhiều khó khăn và người dân đang phải tiếp tục sống trong sự lo lắng bất an.
Ông Nguyễn Văn Tuân ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp cho biết: Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở liên tục xảy ra đã làm mất hàng chục ha đất ở và sản xuất của xóm. Sạt lở đã cận kề có nguy cơ cuốn mất nhà ở của người dân. Chúng tôi rất lo sợ khi phải đối mặt với lũ, muốn chuyển nhưng kinh phí không có nên đành phải đến mùa là chạy lũ”.
Bản Sơn Tiến hiện có 7 hộ nằm trong diện di dời, trong đó có 4 hộ chưa di dời được do chưa có nguồn kinh phí và chưa có đất ở để di dời. Tuy nhiên với mức thu nhập thấp thì việc chuyển đi nơi mới là điều khó khăn. Để đến nơi ở mới mỗi hộ dân phải tự mua đất, làm nhà ở với tổng chi phí ít nhất cũng là vài trăm triệu đồng. Gia đình ông Trương Văn Hải, bản Sơn Tiến là một trong những hộ đã tìm được đất, vay mượn anh em họ hàng đã di chuyển qua nơi ở mới nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản. Không còn phải lo cảnh chạy lũnhưng ông vẫn phải canh cánh cảnh nợ nần.

Nghệ An: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở chờ đến bao giờ? - Anh 1

Sạt lở nghiêm trọng đe dọa an toàn tính mạng và của cải người dân làng chài đê Hòa Lam, xã Hưng Hòa, Nghệ An 


Bà Trương Thị Giang, chủ tịch xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: Theo thống kê trên địa bàn xã Thọ Hợp có 4 điểm sạt lở với chiều dài trên 2000m. Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội xã còn khó khăn, tuy nhiên các ban ngành đã huy động dân đóng góp bằng vật liệu, ngày công để khắc phục trình trạng sạt lở và huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp làm bờ kè. Hàng năm làm khoảng 100 m3 để ngăn chặn trình trạng sạt lở đến nhà dân, tuy nhiên dù nỗ lực nhưng mùa mưa lũ đến, nguy cơ sạt lở vẫn đang là nỗi ám ảnh của địa phương”.
Trên địa bàn Nghệ An có 15 dự án di dân khẩn cấp từ nguồn vốn của Quyết định 1776 nhưng chưa có dự án nào được hoàn thành với tổng số tiền hơn 614 tỉ đồng, đến hết năm 2015 đã giải ngân được hơn 168 tỉ đồng cho các dự án. Như dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa (TP Vinh) với tổng mức hơn 36 tỉ đồng cho 58 hộ dân nhưng đến nay mới chỉ được hơn 1,6 tỉ đồng được cấp để thực hiện. Vì thế, nhiều năm nay những người dân tại Hưng Hòa vẫn phải chung sống với lũ mỗi khi có thiên tai xảy ra. Theo ông Nguyễn Bá Hiền, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi (Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An) cho biết, việc nguồn vốn được cấp về ít, nhỏ lẻ nên quá trình thực hiện kéo dài.
Mỗi một mùa mưa lũ đến, người dân dưới chân núi, sát khe suối nơi đây lại thấp thỏm lo âu. Một dự án mang tên “khẩn cấp” nhưng tiến độ thì hoàn toàn ngược lại. Mong muốn lớn nhất đối với họ là sớm được di dời về nơi ở mới để ổn định cuộc sống. 


Phạm Tước

Ý kiến bạn đọc