Bức xúc trước hai vụ băng hoại đạo đức, lối sống

VH- 1. Vụ thứ nhất mà dư luận đang bức xúc là ngày 11.5 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phúc thẩm vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu và tuyên giảm án cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, 78 tuổi, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo.

Khi dư luận vẫn chưa hết thất vọng vì với những hành vi ông này đã thực hiện với bao bé gái mà chỉ có 3 năm tù thì bản án phúc thẩm cho bị can hưởng án treo, như nhiều người bình luận, chẳng khác nào trêu ngươi pháp luật khiến nhiều người không thể không đặt ra những câu hỏi: “Vì sao pháp luật nương nhẹ với kẻ dâm ô trẻ em? Sự nghiêm minh của pháp luật ở đâu?”.

Không chỉ người dân bình thường mà ngay cả những người đang và đã từng làm trong ngành bảo vệ luật pháp cũng bức xúc. Trả lời báo chí, ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM, cựu thẩm phán có nhiều năm làm công tác xét xử cho biết:“Tôi chờ mong TAND và VKSND Cấp cao sẽ xem xét, đánh giá vụ việc này theo thẩm quyền của mình xem có phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà ngày càng nhiều các vụ án xâm hại trẻ em đang diễn ra”.

 Còn Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, khi bản án sơ thẩm xử bị cáo Thủy 3 năm tù giam, cá nhân bà thấy bản án vẫn chưa thật sự nghiêm minh nhưng vẫn nghĩ rằng còn cấp phúc thẩm. “Thế nhưng bản án phúc thẩm khiến tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi chờ đợi VKSND Cấp cao sẽ kháng nghị giám đốc thẩm bản án này. Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em cũng sẽ có ý kiến để cùng chung tay với các bé”, luật sư có hơn 10 năm đồng hành cùng trẻ em, chống lại việc xâm hại tình dục khẳng định.

Không bức xúc sao được khi lý do đưa ra cho bị can được hưởng án treo, theo như báo chí phản ánh, là “đảng viên, cán bộ ngân hàng, có tuổi cao, sức yếu...” (?!). Chẳng lẽ là cán bộ, đảng viên thì được xem xét giảm án còn người dân thì không? Ngược lại, đây là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì càng phải được xử lý nghiêm minh, có tác dụng răn đe, nhất là trong tình hình hiện nay. Ngay cả lý do “tuổi cao, sức yếu” đối với tội trạng nào chứ với tội ấu dâm với những trẻ chỉ bằng tuổi cháu chắt mình, để lại hậu quả lớn, nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình xã hội và hoang mang cho dư luận thì cũng chưa đủ cơ sở, thiếu sức thuyết phục.

2. Khác với vụ thứ nhất, nghi án rocker Phạm Anh Khoa vướng vào bê bối “quấy rối tình dục” tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng hiện sự việc cũng đã khá rõ. Trên số Văn Hoá hôm nay, nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình thẳng thắn khẳng định: “Tôi chắc chắn Phạm Anh Khoa không vô can!”.

Vô can sao được khi ít nhất có đến 3 nữ nghệ sĩ tố rocker này! Thành ngữ “Không có lửa làm sao có khói” không phải trường hợp nào cũng đúng nhưng với trường hợp này thì khó có thể sai. Dư luận, showbiz Việt thất vọng, phẫn nộ về Phạm Anh Khoa không chỉ về những hành vi trơ trẽn trước đây mà ngay cả cái cách anh ta... xin lỗi. Chưa nói tới cách xử lý của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đang gây thất vọng khi một tổ chức bảo vệ phụ nữ nhưng không bảo vệ những nạn nhân như Phạm Lịch, Nga My, M.P, lại “đăng đàn” giúp Phạm Anh Khoa biện minh mà ngay cả những phát ngôn được coi như lời “xin lỗi” của rocker này trong clip của CSAGA cũng chỉ là những lời nguỵ biện, xảo trá, khiến dư luận và giới showbiz Việt càng bức xúc hơn.

Chừng nào mà rocker này còn quan niệm “sờ mông là cách chào hỏi” thì nôm na mà nói, còn lâu mới khá lên được. Nghệ sĩ là người làm văn hóa đương nhiên hành xử phải có văn hóa. Không thể chấp nhận kiểu “chào hỏi” phi văn hoá, thậm chí bệnh hoạn ấy được, kể cả khi đùa giỡn.

Có điều lạ là trước những ồn ào gạ tình của nam rocker này suốt thời gian qua, chính bản thân Phạm Anh Khoa cũng đã phải lên tiếng xin lỗi (dù cho là nguỵ biện, thiếu thành thực), trên trang web và fanpage chính thức của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng đã gỡ bỏ hoàn toàn hình ảnh “đại sứ phòng, chống nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” (?!) của Phạm Anh Khoa thì hình ảnh của rocker này vẫn tràn ngập trên sóng truyền hình, dửng dưng, vô cảm như thể không có chuyện gì xảy ra.

Đành rằng chưa có những quy định cụ thể xử lý về hành vi quấy rối tình dục nhưng khi người trong cuộc dũng cảm tố cáo; xã hội đồng lòng lên án những hành vi suy đồi đạo đức, tẩy chay những bộ mặt “bệnh hoạn mang gương mặt nghệ sĩ” như đã từng xẩy ra với Minh Béo hay phong trào vì nạn nhân tình dục Me too (tôi cũng vậy) ở Hollywood, Hàn Quốc, Nhật Bản thì chắc chắn sẽ có sự biến chuyển.

Tiếc thay, xét xử cũng như ứng xử với hai vụ suy đồi, băng hoại đạo đức nêu trên, cả Toà lẫn “nhà đài”, Tổ chức bảo vệ phụ nữ lại không làm được điều đáng phải làm!

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc