Cộng đồng trách nhiệm

VHO- Không hiểu sao, tôi cứ mãi ám ảnh bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân đoạt giải Báo Văn nghệ cách đây mấy tháng. Không lạm bàn chuyện hay-dở, xứng hay không xứng, chỉ thấy sao mà giống bà tôi ngày xưa ở quê thế. Cũng mất gà, một mất mười ngờ, ra đứng đầu vườn, vắn quần, chống nạnh, giọng sang sảng cũng lớp lang, có bài bản, chỉ có điều không được nhân văn như “mẹ tôi” trong bài thơ.

Nói như cụ Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, xưa trong không gian làng xã hạn hẹp và nhiều kìm kẹp, người Việt dễ va chạm.

 Đôi khi, hàng xóm láng giềng chửi nhau cũng chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”. Rồi người từ làng trên, ngõ dưới lục tục kéo đến, chả mấy chốc thành đám đông. Kẻ vòng tay đứng xem, người xông vào can gián, rồi cũng tan “hội”, ai về nhà nấy.

Xưa rồi. Với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông qua bàn phím, người ta dễ dàng xúc phạm nhau bằng những comment thiếu tính xây dựng. Không chỉ một mà nhiều, rất nhiều “anh hùng bàn phím” sẵn sàng đưa ra những đánh giá, bình luận một cách cảm tính mặc dù không hiểu rõ sự tình, sẵn sàng “ném đá” hội đồng vào bất cứ ai đó khi cảm thấy tức mắt.

Lạc hậu nốt. Sang thời 4.0, người ta sẵn sàng sử dụng phương tiện của thời đại văn minh cho hành động chợ búa, xây dựng ê-kíp làm việc chuyên nghiệp cùng phương tiện kỹ thuật truyền thông đồ sộ, hiện đại chỉ để làm mỗi một việc livestream “thốt ra những lời thô tục, cay độc để xúc phạm, làm nhục người khác” – theo đúng duy danh định nghĩa khái niệm chửi trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê. Chả thành thơ, đầy tính nhân văn như “mẹ tôi”, cũng không còn bỗng chốc tan “hội” nhẹ nhàng như xưa mà ngày này qua ngày khác, kéo dài ròng rã tháng này qua tháng khác…

Nhiều người ngạc nhiên và bức xúc khi nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng có thể livestream, “bóc phốt”, trong đó không ít lời lẽ thô tục không chỉ với đối phương mà cả họ hàng, cả học trò, bạn bè của đối phương, tiện thể “réo tên” vô số người. Chí Phèo có sống lại chắc cũng phải gọi là “bà cố tổ”, bởi anh Chí rượu vào mới chửi, còn bà không cần rượu, vẫn ra rả hàng tháng trời, chương hồi lang lớp, kéo dài như phim truyền hình nhiều tập.

Số đông nên hội. Hàng trăm nghìn người tạo nên “Đại hội”, mà lại “Đại hội vạch mặt”. Khiếp! Cứ như đấu tố thời Cách mạng văn hóa bên Tàu. Hiệu ứng đám đông tạo nên sân khấu “tấn trò đời”, thôi thì đủ cả, hỉ nộ ái ố; bên nguyên, bên bị; người can ngăn, kẻ khích bác, rồi còn có cả những người tranh thủ nhảy vào PR, quảng cáo…

Số đông là sức mạnh, nhưng chưa hẳn đã là chân lý. Trong Tâm lý học đám đông, nhà tâm lý học - xã hội học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon (1841-1931) có nói đến “thói bốc đồng và tính dễ bị kích động ở đám đông”. Không ít người trong cộng đồng mạng bị kích động “tâm lý đám đông”, phản ứng bột phát thiếu lýtính, vô tình hay cố ý đang cổ xúy cho những hành vi lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến đời sống lành mạnh của xã hội.

“Không người nào là một hòn đảo, không tự bản thân ai là một thể hoàn chỉnh, mỗi người đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền…”, nhà văn đoạt giải Nobel Hemingway đã viết như thế trong Chuông nguyện hồn ai. Không thể có đại lục nếu mỗi người là một hòn đảo, không thể có văn hoá ứng xử trên mạng xã hội nếu không tự bản thân là người có văn hoá. Trách nhiệm của ai? Trách nhiệm của chính mỗi chúng ta đấy. Cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích chung. Tự bồi đắp tri thức, nói không và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cả ngoài đời lẫn trên mạng. Đó cũng là thứ vắcxin cần được tiêm để ngừa văn hóa độc hại trong môi trường hiện nay. 

 PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc