Cạm bẫy dưới mặt đất

VH- Từ cái tên “hot” của đội tuyển U23 Quốc gia, hôm qua Bùi Tiến Dũng lại được nhắc tới nhiều nhất, nhưng không phải gắn với những pha phá bóng dũng mãnh mà là gắn với một bảng báo giá quảng cáo trị giá tới 3 tỉ đồng của một công ty tự xưng là đã ký được hợp đồng bảo trợ thương hiệu với Dũng.

Ngay lập tức đội bóng chủ quản của Dũng là FLC Thanh Hóa tuyên bố sẽ khởi kiện công ty kia vì theo hợp đồng đã được ký kết giữa CLB và thủ môn Bùi Tiến Dũng, FLC Thanh Hóa được toàn quyền sử dụng cầu thủ này cả về chuyên môn lẫn hình ảnh. Đại diện cho CLB Thanh Hóa cũng khẳng định đó là một bảng báo giá trên trời.

Đồng tiền là ma thuật và khi đã bị kéo vào vòng xoáy đó thì liệu Dũng có còn là mình? Trước đây bóng đá Việt Nam từng gánh chịu hậu quả của việc giá trị cầu thủ bị đẩy lên quá cao bởi làn sóng đổ xô vào bóng đá của các ông bầu, đến mức đã có lúc bóng đá Việt Nam giống như cái bong bóng, chỉ chực vỡ vì những giá trị ảo. Thế nên câu chuyện về bảng giá trời ơi của Dũng khiến người ta lo ngại rằng Dũng sẽ không thể trở về mặt đất, sẽ bị “ma mị” theo sức hút của đồng tiền rồi cùng với đó là những thị phi, khiến cầu thủ này khó tập trung cho chuyên môn được.

Ngoài ra, câu chuyện về bảng báo giá liên quan tới Bùi Tiến Dũng còn cho thấy một thực tế thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Bởi những ai gắn bó với bóng đá đều hiểu, khi đặt bút ký vào bản hợp đồng với các CLB, hầu hết các cầu thủ đều không đọc. Trong trường hợp này có lẽ Dũng cũng không hiểu mình đã có những ràng buộc gì với CLB nên mới hồn nhiên đến thế.

Các CLB thì cũng có lý để làm như vậy vì họ mất công, mất kinh phí để đào tạo các cầu thủ từ bé. Nhưng đặt vấn đề ngược lại thì sẽ là thiệt thòi cho cầu thủ giống như trường hợp của Tiến Dũng bây giờ. Thương hiệu của Dũng hiện đã khác nên nếu các chế độ vẫn như trước sẽ là thiệt thòi lớn, nhất là trong trường hợp CLB khai thác được thương hiệu hình ảnh với những bản hợp đồng kếch xù.

Và không chỉ với Dũng, hầu hết các cầu thủ khác cũng vậy, thường được CLB ký hợp đồng toàn quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ trẻ trước khi kết thúc vào năm 25 tuổi, thậm chí có một số tuyển thủ U23 còn bị “trói” đến năm 28 tuổi. Như vậy nếu các cầu thủ muốn thoát khỏi cái vòng kim cô đó thì sẽ xảy ra tranh chấp và cầu thủ sẽ là người chịu thiệt.

Đang trên mây, giờ có lẽ là lúc các tuyển thủ U23 của chúng ta phải trở lại mặt đất, để tỉnh táo hơn, để dốc sức tập luyện cho một ngày bùng nổ thay vì rơi vào những cạm bẫy. Và phải chăng đây cũng là lúc để các CLB, các nhà quản lý, các cầu thủ cùng nhìn lại mình để hoàn thiện những gì còn chưa chuyên nghiệp vì tương lai của bóng đá Việt Nam.

NGUYỄN THU SÂM

Ý kiến bạn đọc