Khởi động Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020
VHO - Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020 đã chính thức khởi động, sự kiện do Đại học RMIT khởi xướng. Liên hoan năm nay chào đón sự trở lại của hai đơn vị đồng tổ chức là UNESCO và Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), cũng như đối tác mới - Tổ chức Sáng tạo bền vững COLAB Việt Nam do ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi sáng lập.
Liên hoan sẽ diễn ra trong 16 ngày, từ 7 - 22.11.2020, với ý nghĩa tôn vinh tinh thần sáng tạo Việt thông qua một chuỗi các hoạt động trực tuyến và trực tiếp. Theo BTC, Liên hoan cũng nhận được đồng hành và hỗ trợ của khoảng 25 tổ chức khác hoạt động trong các lĩnh vực như nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, truyền thông, âm nhạc và giáo dục sáng tạo.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft bày tỏ vui mừng khi UNESCO trở lại liên hoan với vai trò đồng tổ chức. “2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành công nghiệp văn hóa do tác động của Covid-19, nhưng đây cũng là dịp để các cá nhân, tập thể và tổ chức văn hóa thể hiện khả năng thích ứng của mình. Với UNESCO và tất cả những ai đóng góp công sức và tham gia vào liên hoan, đây là cơ hội tuyệt vời để cho thấy sự linh hoạt này và tôn vinh tiềm năng đầy hứa hẹn của lĩnh vực công nghiệp văn hóa”, ông Croft nhận định.
Tác phẩm Cầu Chương Dương của Lê Quý Tông trong bộ sưu tập các tác phẩm tiêu biểu sẽ được triển lãm tại lễ khai mạc liên hoan
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia, cho biết tự hào khi được đóng góp vào việc tôn vinh tầm vóc sáng tạo của Việt Nam ở vai trò đồng tổ chức liên hoan. “Viện đã cử những chuyên gia của mình trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo để trực tiếp tham gia thực hiện nhiều hoạt động cụ thể trong khuôn khổ của liên hoan, gồm hội thảo về giám tuyển văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, triển lãm giới thiệu các tác phẩm của nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam và Úc, cũng như các buổi thảo luận và trao đổi khác”, ông cho biết và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi mong muốn tích cực quảng bá sức sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, từ đó, khẳng định rõ hơn vai trò của văn hóa và sáng tạo đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới”. Đối với đơn vị đồng tổ chức mới COLAB Việt Nam, liên hoan sẽ là nơi kết nối thế hệ trẻ với những kiến thức và cơ hội phát triển trong các ngành sáng tạo. “Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ được truyền cảm hứng và tìm được cầu nối để phát huy tiềm năng của mình. Chúng tôi mong muốn mang đến một định hướng rõ ràng và bền vững hơn cho tương lai tốt đẹp của Việt Nam - tương lai với trọng tâm hướng về giáo dục sáng tạo và phát triển sáng tạo của thế hệ tiếp theo”, ông Thanh Bùi, nhà sáng lập COLAB Việt Nam cho biết.
Theo BTC, với hơn 35 hoạt động và 25 đối tác tổ chức, liên hoan năm 2019 (dưới tên gọi cũ: Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam) lấy Hà Nội làm tâm điểm và trực tiếp hỗ trợ thành phố trong vai trò thành viên mới được ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Năm nay, BTC mở rộng quy mô liên hoan ra toàn quốc nhằm tôn vinh sức mạnh đổi mới sáng tạo đột phá của TP.HCM và di sản cố đô Huế, bên cạnh nét văn hóa và sáng tạo của Hà Nội. Với sự góp mặt thêm của nhiều lĩnh vực sáng tạo như nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc, cũng như sự kết hợp của các nền tảng trực tuyến và trực tiếp, liên hoan dự kiến sẽ thu hút lượng khách tham quan dự khán đông đảo hơn, đồng thời sẽ kiến tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.
GS Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT mô tả liên hoan là “nơi hội tụ những người yêu thích sự sáng tạo và nét văn hóa truyền thống lẫn đương đại tại Việt Nam”. “Ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Để cạnh tranh được với thế giới, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước”, GS Gaimster nhận định và nói rằng, cá nhân riêng lẻ thường chật vật trong việc tạo ảnh hưởng hay được vinh danh cho sản phẩm sáng tạo của mình. Vậy nên, liên hoan lớn mang tầm quốc gia như sự kiện này là cách rất tốt để tạo ảnh hưởng và quảng bá hình ảnh chung của cả đất nước. “Tôi hy vọng liên hoan sẽ giúp thay đổi nhận thức toàn cầu, chuyển đổi từ ‘sản xuất tại Việt Nam’ sang ‘chế tác, đổi mới và thiết kế tại Việt Nam’”, GS Gaimster bày tỏ.
Theo đó, từ ngày 7 - 22.11, khách tham dự liên hoan có thể tham gia vào hàng loạt triển lãm, lớp học, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tài khác nhau, mà phần lớn trong số đó đều có thể truy cập trực tuyến. Liên hoan sẽ khai mạc bằng triển lãm các tác phẩm tiêu biểu từ bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của RMIT - một trong những bộ sưu tập uy tín nhất thế giới về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội và trên nền tảng trực tuyến. Khách xem triển lãm có thể chia sẻ cảm thụ về các tác phẩm qua một cuộc thi trực tuyến.
BTC cho biết thêm, một cuộc thi khác với tiêu đề “Việt Nam 2030: Tầm nhìn về tương lai” sẽ diễn ra trên mạng xã hội Instagram. Câu hỏi dự thi sẽ là ở Việt Nam, làm thế nào để con người và Trái đất có thể phát triển bền vững, và vai trò của sáng tạo là gì trong sự phát triển này?
THÙY TRANG