Sức mạnh văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19

VHO- Khi đã vượt qua những khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng là lúc chúng ta nhận ra những giá trị cốt lõi của cuộc sống, giá trị của sức khỏe, tình đoàn kết, sự sẻ chia và hy sinh vì cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách... Và, chúng ta cũng cảm nhận rõ hơn rằng, những đức tính quý báu của người Việt - vốn đã giúp dân tộc vượt qua muôn ngàn gian khó để trường tồn, phát triển - thực sự vẫn đang tồn tại và trở thành động lực đưa đất nước tiến lên.

Sức mạnh văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19 - Anh 1
 

Tập đoàn Vingroup ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19

 Chúng ta đã thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và bây giờ là lúc phải tính toán đến mục tiêu thứ hai: Khôi phục và phát triển kinh tế. Xét ở một góc độ nhất định, trước, trong và cả sau khi kết thúc bệnh dịch, văn hóa đóng vai trò quan trọng để chúng ta thành công trong mục tiêu thứ hai này.

Đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn như vừa qua là lần đầu tiên chúng ta có một trải nghiệm khắc nghiệt đến thế! Tuy nhiên, thực tế cho thấy, văn hóa doanh nghiệp đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, được coi là nền tảng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu từ chính những khó khăn đó. Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vin Group đã từng phát biểu: “Văn hóa là tài sản lớn nhất, là sức mạnh cho Vin Group thành công!”. Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Quan hệ công chúng Tập đoàn Viettel cũng nhận định tương tự khi khẳng định: “Văn hóa Viettel là sức mạnh!” Sự hy sinh vì lợi ích quốc gia cũng như việc chung tay giúp đỡ người nghèo, những người đang ở tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp đã để lại ấn tượng tốt, từ đó trở thành cơ sở để xây dựng thương hiệu cho chính họ. Những ví dụ như Công ty Metran, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cung cấp máy thở, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ các sản phẩm sữa, Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo, Công ty ABC Bakery sản xuất bánh mỳ thanh long để giải cứu nông sản... chính là những ví dụ cụ thể nhất để chứng minh cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp chính là văn hóa. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thực chất chính là sự cạnh tranh của văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một xu thế tất yếu, khách quan trong xã hội hiện đại. Vượt qua dịch bệnh, chúng ta càng tin tưởng rằng, văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục giúp chúng ta chiến thắng trong nỗ lực đưa đất nước phát triển, đúng theo tinh thần của Thủ tướng trong Quyết định 1846/QĐ-TTg, để văn hóa doanh nghiệp “góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế”. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc