Cần loại bỏ thói vô cảm trong xã hội hiện nay
VHO- Một ai đó đã nói rằng: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xãhội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn!”. Có thể chúng ta sẽ cho rằng, câu nói này hơi phóng đại quá, nhưng tôi cho rằng, đây là một sự cảnh báo hết sức cần thiết, đặc biệt khi chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hiện tượng đau lòng từ bệnh vô cảm.
Khi một ai đó cười cợt trên nỗi đau của người khác như hình ảnh cậu thanh niên vừa cười vừa quay video cô gái bị thương do pháo sáng ở Sân vận động Hàng Đẫy vừa qua, hoặc ngoảnh mặt đi trước tai nạn, không chìa tay ra trước hoạn nạn, hay chỉ đơn giản là thản nhiên không phản đối những điều chướng tai gai mắt, đó chính là lúc chứng vô cảm thể hiện sức mạnh của nó!
Theo kết quả điều tra của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong 2 năm 2017-2018, vô cảm chính là một trong những vấn đề trầm trọng nhất hiện nay (57,8%), trên cả bạo lực trong gia đình (56,5%), bất hiếu (48,2%) hay sống không chung thủy (46,3%). Đây là những con số biết nói, cho chúng ta một cảm giác lo ngại về thói vô cảm trong bối cảnh xã hội hiện nay. Và điều nguy hiểm là, chứng vô cảm ấy dễ lây lan, đặc biệt trong giới trẻ! Sự lây lan ấy khiến điều xấu thách thức điều tốt! Cái ác thách thức cái thiện! Những thứkhông tốt cho việc xây dựng xã hội tốt đẹp mà chúng ta đều mong muốn!
Vô cảm giờ đây không chỉ là căn bệnh của cá nhân mà nó đã trở thành một hiện tượng mang tính xã hội. Vô cảm đến từ thói ích kỷ của con người gia tăng khi tính cá nhân, lợi ích cá nhân của con người gia tăng. Giờ đây, con người suy nghĩ nhiều hơn về cái lợi của mình trước khi nghĩ đến lợi ích của tập thể, của xã hội. Đã qua rồi cái thời mình vì mọi người, trước mọi người vì mình. Bây giờ là thời của “thân ai người nấy lo”. Vô cảm đến từ tính vô danh trong xã hội gia tăng vì quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Người dân ở đô thị giờ không còn thích duy trì mối quan hệ gần gũi kiểu xóm làng nữa. Họ quan hệ với nhau bởi lợi ích vật chất nhiều hơn so với lợi ích tinh thần. Khi tính vô danh hiện hữu, con người làm nhiều điều mà không lo ngại áp lực điều chỉnh của dư luận xã hội. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi đạo đức của cá nhân. Vô cảm cũng đến từ sự bất cập của truyền thông.
Những thông điệp của truyền thông chưa đủ sức thuyết phục để truyền cảm hứng cho những người làm việc tốt, trong khi những cảnh báo từ mặt trái vô tình lại tạo hiệu ứng ngược đối với những mong muốn làm việc tốt. Những câu chuyện như nhóm người giả dạng vô gia cư để nhận tiền từ thiện khiến cho nhiều người cảnh giác hơn với việc làm điều tốt, hoạt động từ thiện, và khiến các hiện tượng “thật giả lẫn lộn” trong xã hội càng trở nên phức tạp hơn; Và vô cảm đến từ sự bất cập của chế tài pháp luật và dư luận xã hội khi những người làm việc tốt không được khuyến khích, bảo vệ và tôn vinh khiến cho những người làm việc tốt ngần ngại khi tiếp tục làm việc tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến những người mong muốn làm việc tốt. Việc cái tốt, điều thiện bịlợi dụng, trục lợi khiến nhiều người nản lòng khi làm những điều tốt cho xã hội. Khi lòng tốt của con người bịlợi dụng và bị đặt câu hỏi quá nhiều khiến người ta không muốn làm điều tốt nữa. Và đây chính là điều tôi thực sự lo ngại.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, xã hội về cơ bản là tốt đẹp. Những hành động chưa tốt chỉ là những lời cảnh báo khiến chúng ta mong muốn tiếp tục làm nhiều tốt đẹp hơn, để làm tốt hơn công việc của mình, lấn át những gì chưa tốt đẹp vẫn tồn tại đâu đó ngoài kia trong xã hội. Để làm được điều đó, đầu tiên chúng ta cần phải loại bỏ tính vô cảm của con người trong xã hội.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam