Cải tiến chữ Quốc ngữ, triệu triệu người học lại

VH- Thực ra, PGS.TS Bùi Hiền không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ đang gây xôn xao dư luận trong mấy ngày nay.

Hàng chục năm qua đã có nhiều đề xuất tương tự. Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả, phải đi học lại từ đầu; tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được. 
Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng và đứng hàng đầu của văn hóa, vì thế chúng ta cần phải có thái độ ứng xử như thế nào cho phù hợp, chứ không phải cái gì cứ thấy phân tích logic thì đề xuất cải tiến. Dòng chảy văn hóa là không ngừng nghỉ và được bồi đắp từ hệ này qua thế hệ khác, không dễ gì có thể thay đổi. Tôi còn nhớ vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp sốt sắng gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.Văn phòng Bác Phạm Văn Đồng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Thay mặt Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi có gửi công văn trả lời, trong đó có câu: “Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể tất cả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ có các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”.
Việc chữ viết sau một vài trăm năm thực hiện có độ vênh với ngữ âm là chuyện bình thường, vì ngữ âm như cơ thể luôn phát triển, còn chữ viết như cái áo không thể phát triển theo cơ thể, do đó sẽ trở nên chật chội, bất hợp lý ở chỗ này chỗ kia. Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, cho nên muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo thì rất khó. Bởi lẽ, trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý. Nếu nói về những điểm bất hợp lý thì chữ Anh còn nhiều nhược điểm hơn chữ Quốc ngữ của ta. Thế nhưng người Anh không sửa. Ta thử hình dung xem, nếu người Anh hay người Mỹ loay hoay sửa chữ Anh cho hợp lý hơn thì chuyện gì sẽ xảy ra: Chắc chắn là hàng tỷ người sẽ phải đi học lại. Theo tôi, những đề xuất về cải tiến chữ Quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Còn điều này nữa, việc đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều…

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Ý kiến bạn đọc