Biến tướng tục cúng sao giải hạn

VHO-Khoảng chục năm trở lại đây, cúng sao giải hạn đầu năm tại các chùa đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Từ những chùa được coi là lớn, là "thiêng" đến các chùa làng, đều tổ chức các khoá lễ cúng sao giải hạn. Tuy nhiên, nghi lễ cúng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo và có biểu hiện thương mại hoá…

Không phải nghi lễ Phật giáo

Theo quan niệm của nhiều người, mỗi năm mỗi người lại có một chòm sao chiếu mệnh khác nhau. Theo đó, sẽ có 9 chòm sao chiếu mệnh (cửu diệu), trong đó có các sao tốt như Thuỷ Diệu, Thái Âm, Thái Dương, Mộc Đức và các sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hớn. Đối với mỗi con người, năm nào được sao tốt chiếu mệnh, sẽ gặp được nhiều điều may mắn như phát tài phát lộc, học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, ăn nên làm ra; còn bị sao xấu chiếu sẽ gặp nhiều rủi ro như làm ăn thua lỗ, ốm đau bệnh tật hoặc xui xẻo trong chuyện tình cảm... Chu kỳ là 9 năm 1 lần, mỗi chòm sao sẽ chiếu mệnh một lần đối với mỗi người. Chính vì vậy, nếu gặp năm bị sao xấu chiếu mệnh thì ngay đầu năm phải làm lễ cúng dâng sao để giải hạn, mong giải đi những điều xấu, rủi ro.

Chị C.T.H, trú tại khu tập thể 128C Đại La, Hà Nội cho biết, năm nào nhà chị cũng đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa Vân Hồ từ tháng Chạp năm trước và năm nay khoá lễ đã được thực hiện vào ngày Mùng 6 tháng Giêng. "Năm nay nhà tôi toàn sao tốt, nhưng tôi vẫn dâng sao giải hạn cho yên tâm", chị H. cho biết thêm.   

Biến tướng tục cúng sao giải hạn - ảnh 1

Hàng ngàn người đội sớ cúng sao giải hạn tại chùa Viên Giác (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Giang

Mặc dù nhiều người rất tin tưởng vào việc cúng sao giải hạn và cho rằng đây chính là một nghi lễ của nhà phật. Nhưng mới đây, trả lời phỏng vấn của báo chí, Hoà thượng Thích Huệ Thông - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: Cúng sao giải hạn không phải là nghi lễ hay văn hoá của Phật giáo.

Nhà nghiên cứu thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn cũng cho biết, việc xác lập các chòm sao không phải để phục vụ mục đích dự đoán tương lai hay số mệnh. "Cho tới nay, có thể khẳng định rằng không có bất cứ hình thức dự đoán tương lai, số mệnh nào là có cơ sở khoa học", ông Sơn khẳng định.

Biến tướng của kinh doanh thần thánh?

Việc cúng sao giải hạn không chỉ không đúng với giáo lý Phật giáo mà còn có biểu hiện biến tướng của sự kinh doanh thần thánh. Nhiều người thực hiện nghi lễ cúng sao giải hạn ở các chùa đều cho biết, muốn được nhà chùa cúng sao giải hạn, các phật tử đều phải nộp tiền, tuỳ từng chùa, nhưng mức phổ biến là từ 100 - 150.000 đồng/ người. Khảo sát xung quanh khu vực Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, đối với các chùa nhỏ, lễ cúng sao giải hạn cũng thu hút cỡ ngàn người đăng ký, còn một vài chùa được cho là lớn, là thiêng thì con số lên tới hàng vạn.

Anh N.M.T (Hoàng Liệt - Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, năm nay nhà anh toàn sao xấu nên đầu năm phải đăng ký cúng sao giải hạn ở chùa, mức phí là 100.000 đồng/ người, gia đình anh hết 400.000 đồng. "Lễ cúng đã thực hiện chiều 12 tháng Giêng, trong vòng 4 tiếng, khoá lễ có khoảng 1000 người, sau lễ cúng, mỗi gia đình được một phần lộc là chai nước và hộp bánh nhỏ",anh T. cho biết.

Đặc biệt, vừa qua, dư luận đã xôn xao khi có phật tử đăng ký cúng sao giải hạn ở chùa P.K, chỉ vì thiếu 50.000 đồng, đã bị người thu tiền từ chối, khiến người đàn ông này phải chạy ra cây ATM rút thêm tiền cho đủ tiền đăng ký khoá lễ của nhà chùa. Nhiều người đặt câu hỏi: Người bình thường sa cơ lỡ vận, tìm đến "ăn mày cửa phật" còn được nhà chùa cưu mang, sao chỉ thiếu mấy chục ngàn đồng mà bị từ chối làm lễ. Nhà chùa mà cũng kinh doanh sòng phẳng thế sao?

Việc cúng sao giải hạn có thực sự là "phép màu" để xua đi điều rủi ro hay không, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định: Các thiên thể trên bầu trời thực tế đều cách rất xa chúng ta và đều là những thực thể vật lý mà ngày nay các nhà khoa học đã xác định được rất rõ ràng. Do đó, không thể gắn cho các thiên thể chức năng "chiếu mệnh"con người. Mọi việc xảy ra với chúng ta đều có nguồn gốc hết sức rõ ràng từ yếu tốt chủ quan (do chúng ta quyết định) và khách quan (tác động của ngoại cảnh như thiên nhiên, xã hội) chứ không phải do các vì sao.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Khu đô thị Dương Nội) cũng đồng quan điểm khi cho rằng cúng sao giải hạn là niềm tin mù quáng. Anh Hùng cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình anh đã không nộp tiền để cúng sao giải hạn, mà cố gắng sống và làm việc một cách khoa học, hiệu quả để có được những thứ như mình mong muốn.

NGUYỄN MINH

Ý kiến bạn đọc