Bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn

VHO - Ngày 3.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra phiên bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tới dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hàcùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 1-3.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.095 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước về dự Đại hội.

Bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn - Anh 1

Các đại biểu dự phiên bế mạc

Sau 3 ngày làm việc, với tinh thần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đại hội đã công bố danh sách Ban Chấp hành khóa mới gồm 168 đồng chí. Theo đó, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII là 177 ủy viên. Tại đại hội 185 đồng chí đã được giới thiệu để bầu 168 ủy viên, khuyết 9 ủy viên kiện toàn sau đại hội khi có nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Theo kết quả bầu cử, cơ quan Tổng Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn có số lượng 37 đồng chí, trong đó bầu 31 đồng chí tại đại hội, khuyết 6 đồng chí sẽ bầu bổ sung sau đại hội; Công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn bầu 22 đồng chí, tại đại hội bầu 20 đồng chí khuyết 2 đồng chí, kiện toàn sau đại hội...

Đại hội đã bầu 28 đại biểu tham gia Đoàn Chủ tịch; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; bầu 5 đại biểu, gồm: ông Phan Văn Anh, ông Ngọ Duy Hiểu, bà Thái Thu Xương, ông Huỳnh Thanh Xuân, ông Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ  khóa XIII. Đại hội cũng bầu Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ Việt Nam khoá XIII gồm 17 đại biểu.

Bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn - Anh 2

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu bế mạc Đại hội 

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định: Thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo nên sức mạnh mới của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Với tinh thần và khí thế mới từ Đại hội, đề nghị các cấp công đoàn ngay sau Đại hội tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước về kết quả của Đại hội và các nhiệm vụ mà Đại hội đề ra; xây dựng chương trình hành động và các đề án, kế hoạch cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam.

“Đại hội kêu gọi cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, 100% đại biểu dự Đại hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội. Trong đó, về mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, khâu đột phá, các chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đề ra mục tiêu: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn - Anh 3

Đại hội ra mắt Ban chấp hành Công đoàn Việt Nam khoá XIII

Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.

Nghị quyết Đại hội đề ra 7 chỉ tiêu phấn đấu hàng năm, 3 chỉ tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ và 3 khâu đột phá gồm:  Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước;  Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

QUỲNH HOA; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc