Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL đang cơ cấu lại ngành CNVH theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Thứ Sáu 24/03/2023 | 10:36 GMT+7

VHO- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0” diễn ra sáng 22.3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành TƯ.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao đổi, chia sẻ với thanh niên tại buổi đối thoại Ảnh: NHẬT BẮC

Hội nghị tổ chức nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2023), được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tại buổi đối thoại, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đặt câu hỏi: “Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ thông tin trong thời đại số, có một tín hiệu đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã lấy yếu tố dân gian, dân tộc để làm chất liệu chính trên các sản phẩm công nghiệp văn hóa, mang lại những giá trị tích cực cũng như góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên những sản phẩm văn hóa của Việt Nam vẫn chưa có đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế, chúng ta cũng đang chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia. Kính mong Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo có sự quan tâm kịp thời cũng như có những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới”.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Triển khai Nghị quyết của Đảng về công nghiệp văn hóa (CNVH), Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện Chiến lược này, Chính phủ xác định có 12 nhóm ngành thuộc về CNVH và chúng ta phải nỗ lực để xây dựng. Với cách tiếp cận, tổ chức thực hiện việc phát triển CNVH, dựa trên các trụ cột là tài nguyên văn hóa của Việt Nam, bước đầu chúng ta đã thu được kết quả. Như trước đại dịch Covid-19, ngành CNVH đóng góp 3,61% GDP cả nước. Kết quả đó thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp, những người làm văn hóa đã nỗ lực đưa nền CNVH Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển.

“Tuy vậy, CNVH của chúng ta đang đi sau, đang phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội hàm về CNVH cũng được Trung ương quan tâm, xem xét để đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đang tham mưu cho Chính phủ trong việc tổng kết Quyết định 1755 về chiến lược văn hóa và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển CNVH. “Nếu chúng ta không “đi tắt, đón đầu”, không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển. Các quốc gia phát triển theo hướng bền vững cũng dựa trên điều này. Hàn Quốc, một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hóa, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong CNVH, như chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang cơ cấu lại ngành CNVH có lợi thế theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chúng ta phải tăng cường hơn cho lĩnh vực du lịch văn hóa bởi sản phẩm du lịch bắt đầu từ sản phẩm của văn hóa. Trong thực tiễn, du lịch đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, và từng bước tiến gần các chính sách của nó là ngành kinh tế tổng hợp. Đó là lĩnh vực của nghệ thuật biểu diễn, là nhóm ngành cần được quan tâm. Đó là lĩnh vực điện ảnh, chúng ta có trường quay tự nhiên đẹp, không gian tốt cũng như nhiều đại diện tài năng. Vấn đề là liên kết để có nhiều bộ phim. Trong thực tiễn chúng ta cũng đã có nhiều bộ phim mang lại doanh thu lớn”.

Cũng theo Bộ trưởng, muốn làm như vậy phải có 4 giải pháp, hay nói cách khác là dựa trên 4 trụ cột. Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, trong đó tập trung để hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những người thực hành văn hóa ở lĩnh vực này phải bám sát trụ cột tài nguyên văn hóa, bởi tài nguyên văn hóa của chúng ta hết sức phong phú, đa dạng. Thứ hai, phải dựa trên khoa học công nghệ. Muốn công nghiệp văn hóa phát triển, yếu tố cơ bản vẫn phải là khoa học công nghệ. Thứ ba là truyền thông. Cuối cùng là vấn đề bảo hộ. Cần ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để đánh cắp bản quyền, gây thiệt hại cho nền công nghiệp văn hóa vốn đang non trẻ của chúng ta.

Trao đổi thêm về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nếu phát triển được CNVH thì sẽ mang lại lợi ích rất to lớn. Gần đây, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc và vừa kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với tinh thần “dân tộc - khoa học - đại chúng”. Các nhiệm kỳ gần đây, chúng ta cũng chú trọng phát triển CNVH và cần quan tâm nhiều hơn nữa để thực hiện chủ trương của Đảng là đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn hóa còn thì dân tộc còn.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, hào hùng. Theo Thủ tướng, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa, vừa kế thừa truyền thống, vừa vận dụng sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

Thủ tướng cho rằng, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có những chuyển động lớn cả về mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành để phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, Thủ tướng đề nghị hơn nữa phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản. Thủ tướng đề nghị các bạn trẻ tham dự đối thoại mạnh dạn phát biểu thêm những suy nghĩ, ý tưởng về vấn đề hết sức hệ trọng này.

Cũng tại buổi đối thoại, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành trao đổi, chia sẻ với thanh niên về vấn đề giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0; giải pháp để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới; lao động trẻ cần có trang bị thêm kỹ năng, đào tạo lại kỹ năng cần thiết; giải pháp để chăm lo sức khỏe, nâng cao thể chất cho thanh niên… 

 TÙNG QUANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top