Hội đồng Y khoa chỉ nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực

VHO - Chiều 26.5, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV được tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ về hai dự thảo luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi). Nhiều ý kiến tâm huyết và có trách nhiệm đã được đóng góp cho hai dự thảo luật này tại Tổ 4.

Về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Về những nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản.

Hội đồng Y khoa chỉ nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực - Anh 1

Phiên thảo luận của tổ 4 chiều ngày 26.5

Trước  hết, về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề, quan điểm của các đại biểu là thẩm quyền cấp giấy phép, thu hồi giấy phép hành nghề phải thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước ((Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế). Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh: Việc cấp phép, thu hồi giấy phép phải thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Không thể Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp phép mà cơ quan quản lý nhà nước lại thu hồi giấy phép. Như vậy là không có sự thống nhất vì cơ quan nào cấp phép thì mới có thẩm quyền thu hồi giấy phép.

Hội đồng Y khoa chỉ nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực - Anh 2

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương thảo luận tại Tổ

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, đa số các đại biểu cho rằng, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Việt Nam thì không cần phải thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt. Theo Thượng toạ Thích Đức Thiện - Đoàn Đại biểu quốc hội Điện Biên, việc này sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực nước ngoài. Theo  các đại biểu, tiếng Việt rất khó, việc đáp ứng yêu cầu thành thạo tiếng Việt là khó. Vì vậy, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì thay bằng đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài. Tuy nhiên, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề như cần luật hoá vấn đề thực phẩm chức năng; cần có quy định rõ ràng về hình thức khám chữa tại nhà vì hiện nay đội ngũ bác sỹ gia đình tương đối đông và là những người cung cấp bệnh án ban đầu của bệnh nhân, làm giảm tải cho hệ thống y tế.

Hội đồng Y khoa chỉ nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực - Anh 3

Thượng toạ Thích Đức Thiện tại phiên thảo luận

Về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, thời gian qua, thực hiện Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật, các quy định liên quan, công tác thanh tra đã góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, quá trình thực hiện trong thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề cần phải được sửa đổi cho phù hợp.

Vấn đề được các đại biểu thảo luận nhiều nhất là tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra. Trước hết, đó là cơ quan thanh tra cấp huyện, có nên thành lập không?

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn Đại biểu tỉnh Điện Biên nêu băn khoăn về việc thành lập cơ quan thanh tra cấp huyện, vì thực tế cơ quan thanh tra cấp huyện lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn chưa cao, trong khi yêu cầu công việc lại rất cao. Chia sẻ băn khoăn trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn đại biểu Cần Thơ cũng cho rằng, cấp huyện là cấp có nhiều việc, nhiều việc phức tạp, nhiều vấn đề nóng, phải có kiến thức chuyên sâu mới có thể hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, biên chế cho cấp huyện rất hạn chế. Vì vậy, nên chăng, chỉ dừng ở thanh tra cấp tỉnh. Còn nếu tiếp tục giữ thanh tra cấp huyện thì phải có khảo sát, đánh giá xem hiệu quả hoạt động thế nào, thì mới quyết định có thành lập hay không.

Hội đồng Y khoa chỉ nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực - Anh 4

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng thảo luận tại Tổ

Về thanh tra cấp cụ, tổng cục, các đại biểu cũng cho rằng không nên có mô hình này. Nguyên tắc là bộ máy nào không có cơ chức năng quản lý nhà nước thì không có cơ quan thanh tra, đơn vị sự nghiệp thì không có thanh tra, mà nếu cần thì chỉ nên có bộ phận kiểm tra, giám sát.

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về các hình thức thanh tra; trình tự, thủ tục thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán; mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc