Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo

VHO- Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc đối với các đơn vị của Bộ VHTTDL tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào sáng ngày 21.4. Cùng tham gia buổi làm việc còn có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương và lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, Vụ Đào tạo, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ…

Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với 4 đơn vị thuộc Bộ đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: Học viện Âm nhạc Huế, Cao đẳng Du lịch Huế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Miền Trung và Tây Nguyên, Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo TS.Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, hiện nay học viện đang đào tạo cho 420 học sinh sinh viên hệ chính quy (gồm bậc Đại học và Trung cấp). Học viện đã kết nối, liên kết đào tạo với các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk , Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước với số học viên hệ liên thông vừa học vừa làm hơn 620 học viên. Tuy nhiên, những năm trở lại đây công tác tuyển sinh đầu vào của đơn vị đang gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh sinh viên theo học các ngành về nghệ thuật giảm sút mạnh, đặc biệt là các ngành giao hưởng và âm nhạc  dân tộc… Học viện cũng xác định rằng không thể “chạy theo” mô hình đào tạo, phát triển của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh; chúng tôi phân loại đối tượng đào tạo theo 2 hướng:  nhóm có khả năng phát triển để đào tạo theo hướng hàn lâm, đào tạo tài năng; và hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đến nay, việc thực hiện đào tạo học sinh sinh viên tài năng đã có 25 em được đào tạo theo chương trình này.

Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo - Anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL tại buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ tại Huế

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Học viện Âm nhạc Huế là một trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật cho khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, do đó nhà trường và các đơn vị liên quan cần phối hợp để có sự chấn chỉnh, kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác chuyên môn và bộ máy hoạt động của Học viện Âm nhạc Huế. Học viện cần có định hướng đào tạo với việc tuyển sinh đào tạo hướng đến các tỉnh thành từ Nghệ An đến Nha Trang, và cần xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, Học viện cũng cần nhìn lại định hướng đào tạo mới phù hợp với nhu cầu trên địa bàn và nhu cầu mà xã hội cần. Tập trung đẩy mạnh liên kết  với các đơn vị trong và ngoài nước để nâng chất lượng đào tạo.

Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo - Anh 3

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo về công tác tuyển sinh đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế

Dẫn chứng một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh của Học viện, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho rằng, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài Học viện Âm nhạc Huế còn có 2 đơn vị đang đào tạo lĩnh vực nghệ thuật là Đại học Nghệ thuật Huế (thuộc Đại học Huế) và Trường Trung Cấp VHNT tỉnh (thuộc Sở VHTT). Do đó việc cạnh tranh về tuyển sinh trong lĩnh vực này cũng là một trong những thách thức không nhỏ.

Cũng như Học viện Âm nhạc Huế, Trường Cao đẳng Du lịch Huế cũng đang đối mặt với những thách thức khi mà tại Huế cũng có Trường Du lịch thuộc Đại học Huế và một số ngành du lịch mà Đại học Phú Xuân đang đào tạo. Nhận định được tình hình này, Trường Cao đẳng Du lịch Huế cũng có những kế hoạch và định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Cao đẳng Du lịch Huế, thông tin: nhà trường rất chú trọng đào tạo về kỹ năng, ưu tiên cho công tác thực hành nên đã cung cấp được nguồn nhân lực có tay nghề cho các đơn vị du lịch ở khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, trong đó có nhiều doanh nghiệp du lịch lớn. Không chỉ đào tạo, nhà trường còn làm “cầu nối” để các học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm theo đúng sở trường của mình. Hiện nay, nhà trường đã thực hiện ký kết hợp tác với 50 doanh nghiệp du lịch trong cả nước trong công tác đào tạo tại doanh nghiệp, là cơ hội để sinh viên có môi trường học tập, thực hành và tìm được việc làm phù hợp.

Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo - Anh 4

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu Trưởng Cao đẳng Du lịch Huế báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ VHTTDL

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận kết quả bước đầu của các đơn vị thuộc Bộ đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó có những đóng góp cho sự phát triển của ngành và địa phương. Trường Cao đẳng Du lịch Huế cung cấp nguồn nhân lực du lịch cho Thừa Thiên Huế và các địa phương trong khu vực, đặc biệt thị trường đã chấp nhận sản phẩm đào tạo của nhà trường, tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt các sinh viên của trường đã có được thành tích tốt trong các cuộc thi tay nghề Asean. Học viện Âm nhạc Huế dù chưa tham gia các sân chơi lớn, nhưng bước đầu cũng tạo ra được nhóm hình đang tập trung để bảo tồn phát huy, nhất là gắn liền với di sản.

Thay đổi tư duy, đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo - Anh 5

 Đoàn công tác Bộ VHTTDL làm việc tại Huế ngày 21.4

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị đào tạo về lĩnh vực văn hóa, du lịch của Bộ tại Huế cần nghiên cứu kỹ xu hướng của thị trường, sự cạnh tranh giữa các đơn vị đào tạo cùng lĩnh vực trên địa bàn và tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Qua đó, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất đến Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tiến hành rà soát lại các đề án của Chính phủ về đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài để bám sát và triển khai…

“Riêng vấn đề tuyển sinh, Học viện Âm nhạc Huế phải có phương pháp tuyển sinh theo kiểu hoàn toàn khác so với ngày hội tuyển sinh của Cao đẳng Du lịch Huế. Hãy bắt đầu cho người ta thấy sản phẩm của mình đang đào tạo, bằng cách triển khai các buổi biểu diễn trực tiếp để phục vụ công chúng, qua đó học sinh sẽ tìm hiểu, nắm rõ, yêu thích và thu hút được đầu vào”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, số lượng NSND, NSƯT và nghệ nhân trên địa bàn tỉnh rất nhiều, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở đào tạo cần mời lực lượng này tham gia công tác đào tạo. Như Cao đẳng Du lịch Huế có ký kết, mời các nghệ nhân ẩm thực giảng dạy, Học viện Âm nhạc cũng mời các NSND, NSƯT, nghệ nhân của các loại hình âm nhạc di sản, âm nhạc truyền thống đến giảng dạy.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc