Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Chấm dứt việc dạy học môn Ngữ văn theo mẫu

Thứ Năm 11/11/2021 | 10:28 GMT+7

VHO-Trả lời câu hỏi của đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) về việc không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc dạy và học theo văn mẫu làm cho học sinh không phát huy được tính sáng tạo, chủ động, cũng như không có được cảm xúc, tình cảm chân thành khi học môn Ngữ văn.

Bắt đầu phiên trả lời chất vấn vào sáng ngày 11.11 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, câu hỏi đầu tiên dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chính là giải pháp chấm dứt tình trạng chép văn mẫu, Bộ trưởng Sơn cho biết, môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong định hướng giáo dục, cũng đã xác định tăng yếu tố dạy làm người trong đó môn Ngũ văn đóng vai trò quan trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn vào sáng 11.11

Vì thế vừa qua Bộ trưởng đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ văn theo văn mẫu. Bởi tình trạng giáo viên đọc cho học sinh chép sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo, tính chủ động của học sinh, không phát huy được cảm xúc, những tình cảm chân thành khi học sinh thẩm thấu các tác phẩm văn học.

“Cần chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Sắp tới Bộ sẽ có hàng loạt biện pháp điều chỉnh mang tính chất chuyên môn, sẽ kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy và học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi, yêu cầu đổi mới GD&ĐT đòi hỏi phải rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống… cho học sinh. Việc này liên quan đến trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên do đại dịch Covid nhiều thời điểm, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến, việc giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn, có chỗ bị xem nhẹ. Vậy quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và Bộ cần phải làm gì để khắc phục?

Đại biểu Nàng Xô Vi đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận trong thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến làm ảnh hưởng đến việc giáo dục các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan của học sinh, sinh viên.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, khi học sinh quay trở lại trường trong thời gian tới, sẽ được củng cố, tăng cường giáo dục, trang bị thêm các kỹ năng sống. Do dịch bệnh kéo dài nên chúng ta cần có giải pháp tổng thể, các bài giảng truyền hình sẽ đổi mới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) về trình trạng dạy thêm và học thêm tràn lan, thậm chí là ép học sinh học thêm khi học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ngay trong trạng thái bình thường khi chưa xuất hiện dịch, Bộ đã ngăn chặn và nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm. Vì thế khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ, nhất là với các trường hợp giáo viên bớt nội dung giảng dạy trong giờ học chính để chuyển sang giờ học thêm, là đáng để lên án.

Phiên chất vấn sẽ kết thúc sau buổi họp vào sáng mai 12.11

Bộ trưởng Sơn cũng cho biết, Thông tư số 09 ngày 30.3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Từ đó Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này. 

Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời nhóm vấn đề về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19. Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh. Phiên trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ kết thúc vào 14h50 hôm nay. Sau đó Quốc hội sẽ tiến hành nhóm vấn đề thứ 3, thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top