Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Chủ tịch nước: Điện ảnh phải góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam

Thứ Bảy 23/10/2021 | 13:24 GMT+7

VHO-Phát biểu thảo luận tại tổ sáng 23.10 về Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành công nghiệp Điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước. Lấy dẫn chứng sinh động là việc nhiều nước quảng bá hình ảnh đất nước thông qua ngành công nghiệp Điện ảnh như Hàn Quốc và một số nước khác, Chủ tịch nước cho biết, những bộ phim của Hàn Quốc đã góp phần giới thiệu xứ sở Kim chi tới Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Từ đó, Chủ tịch nước đặt vấn đề, liệu ngành Điện ảnh Việt Nam có thực hiện được vai trò là tiền đề phát triển, đúng như câu nói của Bác: “Văn hoá soi đường quốc dân đi” hay không. Cũng theo Chủ tịch nước, có nhiều yếu tố trong đó yếu tố khách quan là luật pháp phải tạo được hành lang pháp lý để Điện ảnh Việt Nam phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải giữ gìn được văn hoá qua Điện ảnh

Chủ tịch nước cũng lưu ý hiện nước ta đang hội nhập với nền kinh tế thị trường, bên cạnh những ưu điểm còn nhiều mặt trái nên phải giữ gìn được văn hóa dân tộc khi phát triển Điện ảnh. Nhiệm vụ quan trọng của ngành Điện ảnh là phải góp phần giữ gìn được văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Chủ tịch nước cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiên lượng sự phát triển của khoa học công nghệ để xây dựng Luật sát thực, có sức sống, tồn tại cùng thời gian.

Chủ tịch nước cũng trăn trở về việc tại sao chúng ta phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài trong khi có thể dây dựng nền văn hoá dân tộc thông qua văn hoá dân tộc, lịch sử kháng chiến, lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam. “Phải quán triệt điều này để tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh tốt phục vụ nhân dân và giữ gìn, xây dựng, phát triển Tổ quốc bền vững”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu Bộ VHTTDL cần tiếp thu khi xây dựng Luật.

Toàn cảnh buổi thảo luận

Chủ tịch nước đề nghị, phải khuyến khích công tác xã hội hoá để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể làm phim dựa trên khung pháp lý của Nhà nước. Bên cạnh xã hội hóa, Nhà nước nên đặt hàng, hỗ trợ, có chính sách khen thưởng đối với các tác phẩm phim về lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam. Chủ tịch nước cũng đề nghị cần có cần có những quy định cụ thể để nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh vi phạm về đạo đức, hành vi tội ác, kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử….

Chia sẻ với những khó khăn của Điện ảnh Việt Nam về cơ ở vật chất, việc quảng bá phim, đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, Chủ tịch nước lưu ý phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để Điện ảnh Việt Nam ra với thế giới, góp sức quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi thảo luận tại tổ sáng 23.10

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) cho rằng, Điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt, như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, làm sao để phát triển Điện ảnh vừa là ngành Văn hoá, vừa là ngành kinh tế. Vì thế điều cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam là gì và làm sao cho phù hợp với các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Đặt câu hỏi trong điều kiện đầu tư và điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta liệu có thể có một nền Điện ảnh tốt, phát triển được không, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng chúng ta phải có hướng đi riêng. “Tiền là một chuyện, đầu tư nhà nước là một chuyện nhưng điều quan trọng nhất của Luật Điện ảnh này là phải phát huy, khai phóng được sự sáng tạo, bản sắc sáng tạo của Việt Nam từ kịch bản, từ diễn viên… để có lối đi riêng, có dòng phim riêng”, đại biểu Nghĩa nói và gợi ý Điện ảnh Việt Nam hãy nhìn sang các nước nghèo xem họ có dòng phim hay không, họ phát triển như thế nào, để tìm hướng đi riêng cho mình.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại tổ sáng 23.10

Phát biểu thảo luận, hầu hết các đại biểu cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo luật định…

Trước đó, sáng cùng ngày, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29.6.2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18.6.2009.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, về quá trình xây dựng, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nghiên cứu, soạn thảo theo đúng trình tự, thủ tục và đầy đủ hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật cũng phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Bộ trưởng cũng cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ “phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. “Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ; Phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1 Điều 10. Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển”, Bộ trưởng Hùng cho biết.

THU SÂM; ảnh: THÀNH KHÁNH - TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top