Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

VHO - Sáng 25.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiều giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm đã được các đại biểu "hiến kế" tại Quốc hội.

Tăng trưởng kinh tế 5,64% của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay là một điểm sáng

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Theo đánh giá của các đại biểu, mức tăng trưởng kinh tế 5,64% của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay là một điểm sáng đáng chú ý trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19.

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 1

Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Các đại biểu nhận định, trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn đồng thời thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức thành công như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, việc kiện toàn bộ máy Nhà nước được nhân dân đánh giá cao. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi, thảo luận cùng các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, như việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch... đặc biệt tỉ lệ giải ngân vốn ngoài Nhà nước rất thấp, việc cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng, năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, giải ngân các gói hỗ trợ đạt thấp, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ, một số người dân còn gặp khó khăn trong việc làm và đời sống, vốn CTMTQG chưa được giao kế hoạch và chưa có khả năng giải ngân.

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 3

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội

Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, để giữ được mức tăng trưởng như 6 tháng đầu năm, thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp.

Trước tiên, việc kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu cần được ưu tiên và kiên trì thực hiện. 

Theo ý kiến các đại biểu, thời điểm từ nay đến cuối năm, cần tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên và kiên trì thực hiện theo đúng như tinh thần của Chính phủ “chống dịch như chống giặc", ưu tiên “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”. 

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang, việc khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, chậm một ngày là khó khăn và thiệt hại tăng lên theo cấp số nhân. Nếu thất bại trước dịch bệnh thì sẽ thất bại toàn diện, vượt qua được thì mới có cơ để làm các việc khác. Ông Trần Văn Lâm cũng cho rằng, lần này Quốc hội đồng tình tuyệt đối tin tưởng giao cho Chính phủ toàn quyền cũng là vì quan điểm ưu tiên chống dịch và mong chờ sự mạnh mẽ quyết đáp của Chính phủ. 

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 4

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên họp

Bày tỏ sự đồng tình với các định hướng lớn của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng đưa ra một số giải pháp căn cơ nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn chung. Cụ thể: Chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. Đây cũng được xem là giải pháp căn cơ;  Chính phù quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, cắt giảm, thu hồi với những bộ ngành, địa phương giải ngân vốn chưa tốt để bổ sung cho các bộ ngành, địa phương có tốc độ giải ngân tốt; Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất, đồng thuận với các ngân hàng thương mại cố gắng đạt được lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng. Đại biểu đề nghị trong bối cảnh hiện nay, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế, để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh áp dụng “hộ chiếu vaccine” cho toàn dân, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phục hồi.

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 5

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp

Quan điểm rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế có phần phụ thuộc vào "sức khoẻ" của các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối  năm, ngoài việc ưu tiên và tập trung cho công tác phòng, chống dịch, Chính phủ nên miễn một số loại thuế, tạm giãn các khoản thu cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch, hồi phục sản xuất, kinh doanh: “Chủ động điều hành chính sách tiền tệ tài chính linh hoạt hợp lý có trọng tâm nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để sản xuất kinh; doanh tập trung nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, giảm bớt khó khăn mà còn phải phục hồi để sản xuất kinh doanh; tập trung rà soát và khắc phục ngay những vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giải ngân các gói hỗ trợ, đồng thời quản lý chặt chẽ việc thu chi ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước” - đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh.

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 6

Đại biểu Trần Văn Tiến phát biểu tại phiên họp

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hành động quyết liệt  của Chính phủ; đồng thời cũng đề nghị các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ để hoạt động của Tổ công tác đạt được hiệu quả cao. 

Kỳ họp Quốc hội: Cần nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm - Anh 7

Bộ trưởng Bộ VHTTDL  Nguyễn Văn Hùng trao đổi bên hành lang Quốc hội

HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc