Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL: Chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
VHO- Nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 25.6, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL. Lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị đã đánh giá thực trạng, hiệu quả mô hình tổ chức truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL thời gian qua, hướng đến sự thay đổi, nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông như một giải pháp cơ bản để lan tỏa sức mạnh nội sinh, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương chủ trì Hội nghị quan trọng này.
Trả lời cho được những câu hỏi từ thực tiễn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Triển khai Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030... Trong các lĩnh vực quản lý của ngành, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng được đề ra. “Bộ VHTTDL luôn nhận thức rằng muốn thực hiện những nhiệm vụ này thì cần phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, hoạt động báo chí của Bộ. Hơn khi nào hết, Bộ phải tái định vị hệ thống báo chí, truyền thông trong thời gian qua, khẳng định những kết quả cũng như chỉ ra những khó khăn và trả lời cho được những câu hỏi mà thực tiễn đang đặt ra...”, Bộ trưởng khẳng định.
Lần đầu tiên, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL
Bộ trưởng chỉ rõ, đối với các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ, câu hỏi là: Các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng vai trò là cơ quan dẫn nguồn các hoạt động trong lĩnh vực VHTTDL hay chưa? Đã lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của văn hóa Việt Nam hay chưa? Báo chí, truyền thông của Bộ phải là cơ quan trọng yếu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Bộ trưởng yêu cầu, trên tinh thần cầu thị, các cơ quan báo chí của Bộ phải nhìn nhận thấu đáo những vấn đề bất cập, khó khăn để kiến nghị xác đáng với cơ quan có thẩm quyền.
Bộ trưởng yêu cầu, công tác truyền thông, báo chí của Bộ phải trả lời cho được những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn
“Thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác truyền thông, báo chí, nhất là trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ... Báo chí của Bộ phải đổi mới, chuyển tải những thông điệp lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh, như lời Bác Hồ căn dặn: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Truyền thông minh bạch, kịp thời
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, báo chí là một bộ phận của văn hóa và theo chiều ngược lại, văn hóa chính là môi sinh, dưỡng chất của báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam sở hữu một lực lượng hội viên hùng hậu. Đây chính là lực lượng có thể cùng với Bộ VHTTDL làm tốt hơn hiệu quả công tác báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa của đất nước hiện nay.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông về các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL với các cơ quan báo chí, với Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục tăng cường. “Xác lập cơ chế thông tin phù hợp, khoa học, minh bạch và kịp thời thì sẽ không còn “đất sống” cho tin giả trong văn hóa và các lĩnh vực khác. Minh bạch chính là sức mạnh của thông tin...”, theo ông Hồ Quang Lợi.
Ông Hồ Quang Lợi đề xuất cần tăng cường hơn nữa sự chủ động thông tin về các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động của Bộ tới các cơ quan báo chí nhằm thu hút sự đồng hành, khích lệ cái tốt và kịp thời xử lý những yếu tố chưa phù hợp; quan tâm khía cạnh phê bình, phản biện của báo chí. “Cần phát huy tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, sử dụng việc lan tỏa những yếu tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Các lĩnh vực quản lý của Bộ đều là nguồn đề tài sống động, hấp dẫn của báo chí, có sức hút với độc giả. Vì vậy, cần kịp thời thông tin để quảng bá tốt hơn những thành tựu của toàn ngành...”, lãnh đạo Hội Nhà báo nhấn mạnh.
Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng lưu ý, báo chí đang đứng trước thách thức khó lường khi bối cảnh truyền thông hiện nay đã thay đổi hoàn toàn
Thực tế hiện nay, nhiều giá trị đích thực, chuẩn mực về VHNT đang bị che lấp, trong khi nhiều thứ bề nổi, hào nhoáng, không thực chất lại chiếm lĩnh truyền thông. Lãnh đạo Hội Nhà báo cho rằng, nếu không tăng cường quảng bá những chân giá trị sẽ không kịp thời tạo sức lan tỏa, khiến nhiều chân giá trị bị xô lệch, bị nhìn nhận không chuẩn xác. “Trước những hiện tượng lệch chuẩn đáng lo ngại, báo chí của Bộ đã phản ánh kịp thời, tuy nhiên cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Chúng ta đang sống trong thời đại chi phối của cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội phát triển như vũ bão, đòi hỏi truyền thông, báo chí của ngành phải hội đủ năng lượng để đấu tranh, kịp thời căn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, sai trái...”, theo ông Hồ Quang Lợi.
Đồng tình với quan điểm này, Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng lưu ý, báo chí đang đứng trước thách thức khó lường khi bối cảnh truyền thông hiện nay thay đổi hoàn toàn, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội tạo nên sự bùng nổ về thông tin chưa từng thấy. Dường như những thông tin lệch chuẩn, xấu độc đang lấn át cả những giá trị tích cực, nhân văn. Trước bối cảnh đó, các chủ thể truyền thông phải thay đổi và thích ứng, tăng cường sự chủ động, tích cực tạo sức lan tỏa những giá trị nhân văn, chân thiện mỹ để định hướng dư luận xã hội. “Trước những thông tin lan tràn trên mạng xã hội, nếu chủ động lên tiếng thì những tác hại ngược chiều sẽ giảm đi rất nhiều. Cùng với hoạt động cùa các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ, cần phát huy tiếng nói có sức ảnh hưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ, cầu thủ… trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, cổ vũ những giá trị đẹp, đấu tranh đẩy lùi những yếu tố xấu, độc”, ông Phạm Mạnh Hùng nêu rõ.
Chọn đúng “điểm rơi” để truyền thông hiệu quả
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm lưu ý, hiện nay nhiều giá trị từ không gian thực đang dần chuyển sang không gian số, trong đó có hoạt động truyền thông, báo chí. Vì thế phải hiểu những đặc tính của không gian này để ứng xử, phát ngôn cho hiệu quả.
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm phát biểu
Trong số những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về hoạt động của ngành, ông Nguyễn Thanh Lâm gợi mở giải pháp chọn đúng “điểm rơi”. Ông Lâm nêu, loạt bài phê phán những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa trên Báo Văn Hóa được đưa ra đúng thời điểm văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang xuất hiện nhiều vấn đề đã tạo hiệu ứng tốt, thu hút sự chú ý của dư luận. “Trong nhiều trường hợp, nếu không chọn đúng “điểm rơi” thì hiệu quả truyền thông cũng không đạt được như mong muốn”, Cục trưởng lưu ý.
Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nhiệm vụ Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại mà Bộ VHTTDL đang triển khai thể hiện tư duy chiều sâu, có tầm nhìn. Ông Bình cho rằng, bên cạnh sự phát triển thời lượng thông tin về các hoạt động của ngành thì trên thực tế vẫn còn nhiều việc Bộ làm được mà xã hội chưa biết đến nhiều. “Áo gấm đi đêm” là vấn đề cần giải quyết về mặt truyền thông trong thời gian tới.
Theo ông Lê Hải Bình, bên cạnh lực lượng chính là hệ thống báo chí, truyền thông của Bộ, cần có sự kết nối và phát huy sức mạnh của đội ngũ hàng ngàn nhà báo đang xung kích trên các mặt trận truyền thông. “Những KOLs (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) gồm các ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên... cũng cần được huy động vào công việc truyền thông của ngành, tạo sức lan tỏa và đấu tranh cần thiết”, theo ông Lê Hải Bình.
NSƯT Xuân Bắc cho rằng, với lợi thế sở hữu lực lượng KOLs hùng hậu, Bộ VHTTDL cần phát huy tiếng nói và sức đóng góp của đội ngũ này trong đời sống xã hội
NSƯT Xuân Bắc đại diện gương mặt nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng trong xã hội cho rằng, với lợi thế sở hữu lực lượng KOLs hùng hậu, Bộ VHTTDL cần phát huy tiếng nói và sức đóng góp của đội ngũ này trong đời sống xã hội.
Đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông tại Hội nghị đề nghị Bộ VHTTDL tăng cường tính kết nối, chủ động cung cấp thông tin mang tính định hướng, tạo sức lan tỏa về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa nhấn mạnh, đối với những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, truyền thông, báo chí của Bộ phải nhanh nhạy, chủ động, đi trước một bước để góp phần định hướng dư luận xã hội.
Sản phẩm là sự thay đổi
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những ý kiến tại Hội nghị sẽ được nghiêm túc tiếp thu để đưa vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ trong thời gian tới. Sau Hội nghị này, đề án Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại sẽ được hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
TBT Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn
Theo Bộ trưởng, từ những nhìn nhận, đánh giá khác nhau, các ý kiến đều cho rằng đẩy mạnh công tác truyền thông, báo chí là giải pháp căn cơ nhằm lan tỏa sức mạnh nội sinh của văn hóa. Trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL, cần nhìn rõ những vấn đề mà Bộ đang triển khai để nhận định truyền thông của Bộ đã lan tỏa được những vấn đề này hay chưa. “Chúng tôi thấm thía và đón nhận những kinh nghiệm quý mà các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã góp ý, cùng với đó là những lời phê bình nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nhân văn...”, Bộ trưởng bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ cho rằng, Hội nghị đã đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, bài bản để công tác truyền thông, báo chí của Bộ đạt hiệu quả tốt hơn. Để truyền thông, báo chí của Bộ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại thì cần bắt đầu từ những việc làm cụ thể, từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp.
TBT Báo Văn Hóa Chu Thị Thu Hằng
“Để tạo sức lan tỏa về những vấn đề lớn mà Bộ VHTTDL đã và đang triển khai, các cơ quan báo chí của Bộ phải nhanh chóng định vị lại công tác truyền thông, vừa phát triển lực lượng nòng cốt, vừa phải có cơ chế phối hợp để truyền thông về hoạt động của ngành đến đúng tầm. Với những gì chưa làm được, phải dũng cảm thừa nhận để thay đổi. Đồng thời, cần thấm thía bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, báo chí; xây dựng được nhiều cây bút “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, như lời cố nhà báo Hữu Thọ từng viết”, Bộ trưởng lưu ý.
Lãnh đạo Bộ cũng cho rằng, đội ngũ người làm báo của Bộ cần phải sát thực tiễn, rèn luyện trong thực tiễn, từ thực tiễn để cung cấp thông tin, dẫn nguồn cho các báo khác, lan tỏa những điều tốt đẹp. Cùng với đó, phải có giải pháp phát huy lợi thế sức ảnh hưởng từ lực lượng những nghệ sĩ tài năng, những nhà văn tên tuổi, cầu thủ xuất sắc… Phải cùng đội ngũ này làm tốt công tác truyền tải thông tin chuẩn xác, kịp thời. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, cần tận dụng được lợi thế của nền tảng này để lan tỏa, truyền đi được vấn đề mà Bộ đang mong muốn xã hội biết đến, định hướng thông tin chuẩn mực, hướng đến giá trị chân thiện mỹ và đưa những giá trị đó đến với công chúng. Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được những điều này, lực lượng báo chí của Bộ là chủ công.
Phó TBT Báo Thanh niên Đặng Thị Phương Thảo
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu các đơn vị báo chí, truyền thông cùng các đơn vị chức năng của Bộ chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch để định hướng thông tin chuẩn xác về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành. Các tờ báo của Bộ chủ động khai thác, tạo ra nguồn lực thông tin mạnh mẽ; đội ngũ làm công tác truyền thông cần phải trăn trở, quyết liệt hơn với nhiệm vụ mà mình đang thực thi.
Ngoài ra, cần chủ động phối hợp với với các cơ quan báo chí lớn ngoài ngành, rà soát lại những chương trình đã phối hợp, tìm ra vấn đề cần sửa đổi, chọn việc theo hướng trọng điểm sao cho những giá trị cốt lõi của ngành phải được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông. “Phối hợp chặt chẽ hơn với các báo trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng đưa thông điệp của Bộ và lãnh đạo Bộ tới các báo. Chủ động hơn nữa để kết nối, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam để lan tỏa những giá trị tốt đẹp...”, Bộ trưởng yêu cầu.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bộ trưởng cũng chia sẻ, những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới rất cần sự đồng hành, góp ý, phản biện của các cơ quan báo chí như: Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Diễn đàn Văn hóa thường niên hàng năm; Đề xuất hình thành và sử dụng hiệu quả các thiết chế; vai trò của Bộ trong vấn đề phát triển thể thao cho mọi người; Phát triển du lịch trong 5 năm tới theo hướng khắc phục hậu quả dịch bệnh….
“Đó là những trăn trở, những định hướng của ngành. Trong đó, có những vấn đề đang xây dựng, rất cần tiếng nói phản biện, góp ý của các cơ quan báo chí. Chúng tôi luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị và tin rằng sẽ nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, góp phần vào sự phát triển của ngành cũng như sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
HÀ PHƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN