Công bố Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

VHO-Sáng 31.12, tại Phủ Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đã chủ trì buổi họp báo công bố Pháp lệnh người có công với cách mạng. Theo Phó Chủ nhiệm Lê Khánh Hải, đây là Pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV thông qua vào ngày 9.12 vừa qua.

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh và tri ân, đãi ngộ đối với những cống hiến của người có công với cách mạng. Thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10.6.2020 của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh người có công với cách mạng sửa đổi. Ngày 9.12.2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, với tỉ lệ biểu quyết tán thành là 100%.

Tại buổi họp báo, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 Điều. Dự kiến sẽ có khoảng 3 Nghị định của Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 2 Chương, 10 Điều và sửa đổi 41 Điều.

Cụ thể là việc bổ sung 2 chương mới là Chương 3 “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ”, Chương 4 “Nguồn lực thực hiện”. Pháp lệnh cũng bổ sung 10 Điều mới và sửa đổi bổ sung 41 Điều trên cơ sở kế thừa các qui định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn của Pháp lệnh và Nghị định, Thông tư hiện hành.

Công bố Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng - Anh 1

Phó Chủ nhiệm Lê Khánh Hải chủ trì họp báo Công bố Pháp lệnh ưu đãi người có công

Với mỗi diện đối tượng người có công với cách mạng, Pháp lệnh đã kết cấu các Điều theo trật tự về điều kiện, tiêu chuẩn; chế độ ưu đãi đối với đối tượng; chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan đến đối tượng; đặt tên tất cả các Điều.

Về một số nội dung lớn, Pháp lệnh năm 2020 đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ. Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ qui định cụ thể.

Pháp lệnh cũng đã bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân như mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đầy do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc; người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng được ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặt vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc là vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh lần này cũng đã chuẩn hoá các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để qui định một cách thống nhất, rõ ràng; định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; qui định chế độ trợ cấp mai táng khi người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và con đẻ bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết theo mức qui định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; qui định mức trợ cấp hằng tháng đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn…

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc