Cần có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế phát triển

VHO- Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020” (Kết luận 48) diễn ra chiều nay 6.5 tại Huế, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần thiết có Nghị quyết mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo 182 Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, và nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị

Với vị trí địa chiến lược của Thừa Thiên Huế, năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48- KL/TW (Kết luận 48) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng chính là: “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc, có hệ thống chính trị trong sạch…”. Kết luận thứ hai theo Thông báo 175-TB/TW ngày 1.8.2014 về tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Cần có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế phát triển - ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị của Ban Chỉ đạo Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị"

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW,  Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Phát huy được vai trò, vị thế của trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước.

Thừa Thiên Huế đã có nhiều có nỗ lực lớn trong thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ban hành các chương trình, đề án để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” như phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2.000 USD/người.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng từ 45,9% năm 2009 lên 54,6% năm 2018; tương ứng với lĩnh vực công nghiệp giảm từ 37,6% xuống 34,1%; nông nghiệp giảm 16,5% xuống 11,3%.

Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh... được giữ gìn, tôn tạo. Khẳng định được vị thế của một trung tâm du lịch lớn của quốc gia.

Một loạt các lĩnh vực khác cũng đạt kết quả khả quan, như: Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 37% năm 2009 lên 62% năm 2018; Khoa học - công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; Quốc phòng - an ninh được giữ vững; vị thế và quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; công tác xây dựng chính quyền được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Cần có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế phát triển - ảnh 2

Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100% (Trong ảnh: Cảnh quan hạ tầng dọc 2 bờ sông Hương)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như mục tiêu cơ bản đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được. Thu ngân sách nhà nước còn thấp (xếp thứ 30 của cả nước); trong đó ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế chưa quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đề án phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Đề án xây dựng thành phố Festival…

Cần thiết có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao nỗ lực thực hiện để đạt được những kết quả quan trọng của Tỉnh Thừa Thiên Huế trong 10 năm qua, ghi nhận sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban Tổ chức cho công tác tổng kết Kết luận 48, đồng thời nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này.

Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng Đề án tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần bám sát các mục tiêu và giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 48 năm 2009 và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị năm 2014 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 48 để đánh giá và tổng kết. Việc Tổng kết và đánh giá cần mang tính khách quan, bám sát vào thực tế và trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn để có thể xác định được một cách thực chất các kết quả đạt được, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đặc biệt, cần rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Cần có Nghị quyết mới cho Thừa Thiên Huế phát triển - ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đề cập đến sự cần thiết của một Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”; và đề nghị các đại biểu phân tích những luận điểm lý giải mang tính thuyết phục về mặt khoa học và thực tiễn để Nghị quyết mới sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên Huế xác định lại được một cách rõ ràng hơn, sát thực hơn những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh trong bối cảnh mới có rất nhiều thay đổi ở cả trong và ngoài nước (với tốc độ nhanh, mạnh và khó lường) cũng như mở đường cho việc đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và những giải pháp mang tính khát vọng hơn, đột phá hơn; qua đó giúp thu hút được nhiều nguồn lực hơn để tỉnh có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và bao trùm hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng nêu rõ, nếu được ban hành, Nghị quyết này phải có những điểm mới, khác biệt so với các Kết luận đã được ban hành. Các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp được đưa ra phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức; phải mang tính khát vọng và đột phá, vừa đảm bảo có tính kế thừa, vừa đảm bảo tính phát triển nhưng khả thi, thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như xu hướng phát triển chung ở trong nước và quốc tế, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố “Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại”, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị cần thảo luận rõ cách thức phối hợp và tổ chức thực hiện, đặc biệt là sự phối hợp của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận với các Bộ, ngành có liên quan. Trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò của Bộ Xây dựng; Bộ VHTTDL; Bộ Y tế với tư cách là những Bộ chuyên ngành hỗ trợ và phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế để xác định và phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng và thế mạnh vốn có của tỉnh về phát triển đô thị; phát huy ở mức cao nhất các giá trị của di sản kết hợp với du lịch; phát triển y tế chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế...

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc