Lần đầu tiên Yên Bái phát hiện đồ trang sức người cổ

VHO - Bảo tàng tỉnh Yên Bái vừa tổ chức chuyến điều tra khảo cổ học tại xã Tân Hợp (huyện Văn Yên), và tình cờ tại nhà ông bà Đặng Thị Yến, người xã Đông Cuông, đoàn khảo cổ được đưa cho xem một lọ trong đó chứa những hạt dẹt mầu trắng ngà, tròn, nhỏ giống như cúc áo. Theo lời kể của ông bà Yến, trung tuần tháng 11.2023, hai vợ chồng bà Yến đi thả lưới đánh bắt cá sông tại đoạn bờ lở hữu ngạn xã Mậu Đông đã thu được những hiện vật trên.

Lần đầu tiên Yên Bái phát hiện đồ trang sức người cổ - Anh 1

Lần đầu tiên Yên Bái phát hiện đồ trang sức người cổ - Anh 2

Qua xem xét, cán bộ Bảo tàng tỉnh nhận thấy các hạt dẹt có nhiều kích cỡ to nhỏ, hình tròn và bước đầu xác định đây là đồ trang sức làm từ chất liệu vỏ ốc và xương sống con cá khá đặc biệt. Gọi theo từ chuyên môn, đây là hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể, và là loại đồ trang sức lần đầu tiên phát hiện tại Yên Bái. Các hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể được mài tỉ mỉ hình tròn giống như chiếc cúc áo, đường kính từ 3-13 mm, ở giữa có khoan lỗ để xỏ dây đeo. Sơ bộ cho thấy những hạt nhuyễn thể này có từ thời đại Đá, niên đại vào khoảng 3500 đến 5000 năm cách ngày nay. Việc phát hiện đồ trang sức người cổ tại Yên Bái là thông tin rất quan trọng, mở ra hướng nghiên cứu mới cho, cung cấp tư liệu về một góc nhìn rõ hơn cuộc sống của người cổ ở Yên Bái. Người cổ Yên Bái lấy săn bắt cá ở sông suối làm nguồn sống, và người cổ cũng lấy nguyên liệu từ sông suối là vỏ nhuyễn thể để làm đồ trang sức, làm đẹp cho mình.

Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường, rất có thể sẽ còn có những phát hiện mới thú vị hơn ở lớp dưới trầm tích tại địa điểm này.

VĂN KHOA

 

Ý kiến bạn đọc