Những “già cội’ của bản làng

VHO - Cuộc sống của đồng bào DTTS ở các huyện miền núi, vùng cao Bình Định đang ngày càng đổi thay, khởi sắc đáng kể. Có được kết quả tích cực này, ngoài chính sách của Nhà nước, vai trò của những người có uy tín là rất quan trọng.

Bằng kinh nghiệm, hiểu biết và cống hiến của mình, nhiều năm qua, những “già cội” của bản làng đã dẫn dắt người dân từng bước vượt qua khó khăn gian khổ, thực hiện cuộc sống mới theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước cũng như kết nối cộng đồng cùng đoàn kết nâng cao xây dựng đời sống văn hóa, giữ tình làng nghĩa xóm…

Góp sức để cuộc sống của bà con đổi thay

Thạnh Quang (thuộc xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) là làng tái định cư của người dân vùng lòng hồ Định Bình, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào làm nương rẫy. Do tập quán canh tác cũ, nên hiệu quả không cao, nhiều gia đình bị thiếu ăn. Già làng Đinh Grêh đã trăn trở, suy nghĩ cách giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất. “Mình được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín trong làng, nên phải sống sao cho thật gương mẫu để con cháu, dân làng học tập”, già làng Đinh Grêh chia sẻ và nói, mình phải luôn gần gũi với bà con, dân làng để tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Giờ đây, bà con đã nhận thức noi theo nên “cái bụng” tôi rất ưng.

Những “già cội’ của bản làng - Anh 1

Già làng ở huyện Phù Cát thực hiện nghi thức lễ cúng cầu may của đồng bào Bana, qua đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của bà con nơi đây

Cũng tại xã Vĩnh Hiệp, sau khi có chủ trương làm đường bê tông hóa mở rộng từ đầu thôn cho đến khu vực du lịch suối Tà Má, các cấp ngành đã nhiều lần đến tận thôn bàn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ cách vận động mềm dẻo của các ban ngành, trong đó có sự góp sức của già làng, cho nên người dân rất đồng tình ủng hộ. Trong số 56 hộ bị ảnh hưởng từ việc mở rộng đường giao thông vào khu vực suối Tà Má, có nhiều hộ gia đình trong đó có đảng viên, người uy tín đi đầu trong hiến đất làm đường.

Già làng Đinh H'Nơn cho hay: Là người có uy tín, nên tôi đã cùng các đoàn thể vận động bà con hiến đất để làm đường. Làng Hà Ri, có 99% người bana sinh sống, với thu nhập 18 triệu đồng/năm, nhưng cả làng tin rằng, nếu con đường vào khu vực vào suối Tà Má hoàn thành sẽ tạo nhiều thuận lợi để bà con sản xuất, hơn hết giúp cho khu vực này giao thông thoáng để vận chuyển hành khách đến khu du lịch suối Tà Má dễ dàng.

Tại làng O5, xã Vĩnh Kim, ông Đinh Truôn là người có uy tín được bà con tin tưởng. Bằng kinh nghiệm của mình, nhiều năm qua, ông Đinh Truôn đã dẫn dắt bà con Ba Na ở làng O5 vượt qua những khó khăn để xây dựng và đổi mới thôn làng. Anh Đinh Văn Giang phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình có 3 sào đất trồng lúa rẫy và hơn 4 sào đất trồng mì nhưng có năm được, năm mất thu nhập không đáng là bao. Tuy nhiên, đến năm 2018, được già Đinh Truôn hướng dẫn, gia đình đã chuyển sang trồng keo, đồng thời vay vốn ngân hàng chính sách xã hội mua thêm đất trồng keo và chăn nuôi bò. Nay, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng và cuộc sống khấm khá hơn trước.

Thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu

Những năm qua, ở khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, ông Nguyễn Thanh Bình (đồng bào Bana) được người dân biết đến là già làng, người có uy tín có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, tham gia giữ gìn ANTT ở địa phương. Già làng Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Nếu mình biết “con chữ”, am hiểu pháp luật thì nên tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, chống nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhận cận huyết; giữ vững và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc nơi đây. “Giờ tôi vui lắm! Bởi, khu phố Hiệp Giao có 100% hộ gia đình đều đạt danh hiệu “gia đình văn hoá” và nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “khu phố văn hoá” già Bình vui, cởi mở nói.

Những “già cội’ của bản làng - Anh 2

Già làng Nguyễn Thanh Bình (ở giữa) tích cực tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho các hộ gia đình tại địa phương

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định nhìn nhận: Già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát luôn là “đầu tàu, gương mẫu” trong công tác vận động nhân dân tham gia các phong trào ở địa phương và nhờ họ, mà nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào gìn giữ và bảo tồn đến nay. “Chưa kể, họ còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ bình yên cho cuộc sống người dân ở các thôn, làng, khu phố”, ông Lung chia sẻ.

Cũng theo ông Lung, để phát huy hiệu quả vai trò già làng, người có uy tín, trong thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt nhằm định hướng dư luận xã hội, tiếp xúc trực tiếp đối với già làng, người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín và quan tâm lựa chọn già làng, người có uy tín kế cận có đủ năng lực, trình độ, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc