Nhân lên giá trị văn hóa của người Khmer

VHO - Tỉnh Sóc Trăng đã và đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng sẵn có như du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển. Bên cạnh đó tỉnh Sóc Trăng cũng rất chú trọng phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, thành những sản phẩm riêng có thu hút du khách thập phương.

Nhân lên giá trị văn hóa của người Khmer - Anh 1

 Lễ hội thả đèn nước (Lôi Protip)

Hiện nay tỉnh Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 5 di sản của đồng bào Khmer gồm: Lễ hội đua ghe ngo; nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù Kê; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong (còn gọi là múa lâm thôn); nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm; nghệ thuật sân khấu rô băm... Để bảo tồn và phát huy những di sản này, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư thực hiện nhiều giải pháp như: Đầu tư phục dựng và bảo tồn nghệ thuật Dù Kê, Rô Băm; tổ chức hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Bên cạnh đó, hằng năm các cấp chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer sinh hoạt các lễ, hội theo truyền thống như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôl Ta, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo, lễ hội thả đèn nước trên sông, lễ dâng bông...

Vĩnh Châu là một thị xã vùng biên giới biển, có đông đảo bà con Khmer sinh sống, theo ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu, xác định, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó, cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… trong vùng có đông đồng bào dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Từ thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Sóc Trăng đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch. Điển hình như việc tổ chức một số lễ hội lớn, như Lễ hội Chrôi Rum Chếk (cúng phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hội cúng Trăng. Đặc biệt là để tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo ngày càng quy mô và thu hút đông đảo du khách thập phương, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như khán đài, bờ kè đường đua.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh đang tập trung thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cách để những giá trị văn hóa của người Khmer tiếp tục phát huy giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian được tỉnh quan tâm chú trọng, chỉ đạo tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự”. 

 MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc